Siết chặt quản lý các trang mạng xã hội

02/04/2024 - 08:20

 - Với lợi thế ứng dụng công nghệ số, kết nối nhanh, nhiều tiện ích, lượng tương tác lớn và không biên giới, các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok… ngày càng chiếm ưu thế và thu hút nhiều người tham gia. Bên cạnh những lợi ích, rất nhiều thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật, lệch chuẩn… xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội (MXH) cần được kiểm soát chặt chẽ.

Tràn lan quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội

Không ít người bức xúc mỗi khi bật ti-vi (xem qua kết nối Internet) hoặc mở smartphone lên xem, lại xuất hiện quảng cáo “bẩn”, lệch chuẩn, sai sự thật… nhan nhản trên MXH. Đó là quảng cáo về những bài thuốc gia truyền trị “bá bệnh”, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh nan y… được “nổ” như “thần dược”. Đáng nói là những quảng cáo này được cắt ghép rất tinh vi, thậm chí kèm logo của bệnh viện, đài truyền hình.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng phạm tội còn lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, YouTube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ. Chúng dựng các clip ngắn có nhiều phần thưởng hấp dẫn, giá trị cao để chạy trên các nhóm (Fanpage), kênh trên YouTube để lôi kéo người chơi… Nhiều clip sai sự thật, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view... Các clip dàn dựng, như: Siêu giảm béo, dụng ý bôi xấu, livestream lừa đảo…

Theo We Are Social (công ty chuyên phân tích MXH toàn cầu), năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng Internet, với thời gian truy cập trung bình 6 giờ 23 phút mỗi ngày. Ngoài ra, 5 nền tảng được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam là Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), TikTok (77,5%). Với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy và đa dạng, MXH đang là một kênh tin tức được đông đảo người dân lựa chọn.

Lướt trên các MXH, dễ thấy “người người làm YouTube”, “ai cũng làm YouTube” để kiếm thu nhập. Trên các nền tảng MXH, mỗi chủ tài khoản có thể trở thành những “nhà báo công dân” tự sáng tạo nội dung, tự đưa tin. Bên cạnh những kênh YouTube do người sáng tạo nội dung (YouTuber) chuẩn bị công phu về chủ đề, nội dung, hình ảnh, bối cảnh… thì có nhiều clip do các YouTuber thực hiện quay - dựng hàng ngày từ công việc do bản thân họ làm, kiểu “cây nhà, lá vườn”, như: Mò cua, thả lưới, nấu ăn… được cộng đồng mạng rất quan tâm và mang lại nguồn thu khá cho chủ kênh. Đáng nói, có nhiều kênh đăng tải nội dung phản giáo dục, như: Ăn những món ăn rùng rợn (ăn rết, cá sống, thịt sống…); clip đăng nội dung nhảm nhí, gây sốc, lợi dụng đám tang để câu view…

Bên cạnh đó, nhiều kênh đăng clip kiểu tận diệt, như: Xuyệt điện bắt cá, “giã cào” đánh bắt thủy sản… Trong khi, đánh bắt cá bằng xung điện đã bị cấm, bởi vừa tận diệt thủy sản, vừa nguy hiểm tính mạng con người. Còn “Giã cào” là sử dụng lưới mắt dày (dưới 3cm), nhiều lớp, nhiều chì để kéo bắt cá từ đáy bùn đến mặt nước. Khi tàu “giã cào” kéo qua, các loài cá nhỏ mới sinh đến cá lớn đều bị gom vào lưới. Đây được xem là nghề phá hủy môi trường, sinh vật tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản…

Có thể thấy, TikTok hiện đang được nhiều người, nhất là giới trẻ rất ưa thích. Trong khi TikTok ban hành nhiều chính sách thu hút người dùng mới và tăng thời lượng sử dụng, như: Nhận tiền hoa hồng với lời mời bạn bè đăng ký tài khoản mới, nhận tiền để truy cập và theo dõi video liên tục 10 phút trong 14 ngày. Thành công của TikTok được tạo dựng bởi các thuật toán bị nhiều chuyên gia cảnh báo “gây nghiện cho người sử dụng”.

Cộng đồng người xem YouTube, TikTok tại Việt Nam đa phần là những người trẻ. Thế nên, những nội dung gây sốc, phản cảm, hay thử thách, trò đùa nguy hiểm trên nền tảng này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của giới trẻ, nhất là trẻ em. Trong khi, không phải ai cũng có ý thức quản lý việc sử dụng MXH của con em. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật, do bắt nguồn từ việc “bắt trend” (theo xu hướng), làm theo các clip trên TikTok, YouTube.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm… Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH xuyên biên giới, như: Facebook, Google (YouTube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục ngàn nội dung vi phạm. Gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em. Gỡ bỏ nhiều tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam…

Theo Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do (Bộ TT&TT), công tác đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để làm trong sạch, lành mạnh không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn. Bộ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới áp dụng công nghệ rà quét tự động với quảng cáo. Yêu cầu các nền tảng không bật kiếm tiền với trang, kênh có nội dung vi phạm để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo nuôi dưỡng trang, kênh vi phạm pháp luật; các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật.

Luật Công nghệ Thông tin và Luật Viễn thông quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghệ thông tin và viễn thông. Tại Điều 8, Luật An ninh mạng cũng có quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật… Tùy tính chất, mức độ, loại hành vi và hậu quả của hành vi, cá nhân đó có thể bị khởi kiện để yêu cầu bồi thường về dân sự, bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

HỮU NGUYÊN