Sinh kế mùa lũ

28/10/2022 - 07:19

 - Mùa nước lũ về không chỉ “chở” phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, mà còn mang theo nhiều “sản vật” có giá trị, như: Cá, tôm, ốc, cua... và các loại rau đồng thủy sinh. Tận dụng lợi thế mùa lũ, người dân vùng đầu nguồn huyện An Phú (tỉnh An Giang) triển khai nhiều mô hình sinh kế, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Năm nay lũ lớn, nước ngập các cánh đồng nên nhiều ngư dân làm nghề đặt lọp tôm có thu nhập cao gấp 2 lần mùa lũ mấy năm trước. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề đặt lọp tôm, ông Bùi Thanh Vân (xã Vĩnh Hậu) cho biết, năm nay, nước lớn nên lượng tôm, cá nhiều hơn mọi năm. Tôi chuẩn bị hơn 160 cái lọp tôm đặt dọc theo các tuyến kênh trên địa bàn xã Vĩnh Hậu và Phú Hữu. Cách ngày, tôi dỡ 1 lần được 2,5-3kg tôm, trung bình thu nhập từ 700.000-800.000 đồng/ngày.

“Năm nay, lượng tôm nhiều gấp đôi so với năm trước, nên người đặt lọp tôm có thu nhập khá. Từ đầu mùa nước nổi đến nay, tôi kiếm được hơn 8 triệu đồng, cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình” - ông Bùi Thanh Vân chia sẻ.

Còn anh Huỳnh Văn Lơ (ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu) có thâm niên hơn 10 năm làm nghề đặt lọp tôm cho biết, để bắt được tôm thì người đặt lọp dùng dừa, bắp... làm mồi nhử. Sau đó, dùng sào nhấn lọp xuống nước tại các bụi rậm có dòng nước chảy nhẹ để bắt tôm. Anh Lơ cho biết, mọi năm, vào thời điểm này, mỗi ngày, tôi bắt được chừng 1kg tôm là nhiều. Nhưng năm nay, con nước lớn nên lượng tôm nhiều hơn.

Với hơn 120 cái lọp tôm đặt dọc theo tuyến kênh Bảy Trúc (xã Phú Hữu), mỗi ngày, tôi kiếm được từ 1,8-2kg tôm, bữa nào trúng thì được gần 4kg tôm. Giá tôm hiện nay thương lái thu mua tương đối ổn định. Tôm loại nhất có giá 550.000 đồng/kg, tôm loại nhì 350.000 đồng/kg và tôm xô 200.000 đồng/kg. Với giá này, bình quân 1 cữ dỡ lọp tôm, sau khi trừ chi phí, tôi kiếm từ 600.000-1.000.000 đồng, ít nhất cũng 400.000 đồng.

Hơn 30 ngày, kể từ ngày xuống lọp, anh Lơ kiếm được gần 15 triệu đồng. Với nguồn tôm, cá như năm nay, anh Lơ cố gắng kiếm khoảng 30 triệu đồng. “Năm trước, đặt lọp tôm chỉ đủ chi tiêu hàng ngày trong gia đình, năm nay người đặt lọp tôm sống khỏe. Mực nước lũ đang cao và những ngày tới, tôm, cá ra sông nên thu hoạch sẽ nhiều hơn. Những người làm nghề đánh bắt thủy sản sẽ có thêm thu nhập khá hơn trong mùa nước nổi” - anh Lơ vui mừng cho biết.

Tại các xã bờ Đông sông Hậu của huyện An Phú (Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu) đang triển khai nhiều mô hình sinh kế mùa lũ, thuộc dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (dự án WB9). Đó là mô hình lúa mùa nổi kết hợp thả cá và khai thác thủy sản. Mô hình được thực hiện trên 36,57ha của 36 hộ nông dân.

Giống gieo sạ là 3.800kg, trong đó, dự án WB9 hỗ trợ 50%, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ 50% phần đối ứng của nông dân. Dự án WB9 còn hỗ trợ 50% phân hữu cơ, nông dân đối ứng 50%. Đến nay, lúa gieo sạ được hơn 60 ngày tuổi, cây lúa vượt lên mặt nước phát triển khá tốt… Dự kiến khoảng 6 tháng thì thu hoạch, năng suất khoảng 2-3 tấn/ha.

Đối với việc thả nuôi cá kết hợp khai thác thủy sản, đã tiến hành thả được 150kg cá rô giống trong diện tích đăng lưới 2.500m2. Nguồn kinh phí thực hiện do tổ điều hành hoạt động sinh kế vận động hỗ trợ. Trong đó, một phần kinh phí thực hiện mua cá giống, phần còn lại mua thức ăn; còn phần lưới đăng, cọc, dây... được tổ hợp tác tham gia mô hình đóng góp. Dự kiến, cá nuôi 3 tháng có thể thu hoạch.

Ngoài ra, còn có mô hình lúa - sen - khai thác thủy sản tại xã Vĩnh Lộc. Đây cũng là mô hình sinh kế nằm trong dự án WB9 nhằm giúp nông dân có thêm thu nhập vào mùa nước nổi. Mô hình lúa - sen - khai thác thủy sản ở xã Vĩnh Lộc đã phát triển hơn 42ha. Hiện, nông dân thu hoạch xong vụ sen với lợi nhuận tương đối khá và đang đăng lưới khai thác thủy sản.

Mùa nước nổi, rất nhiều nghề mưu sinh theo con nước. Chỉ cần chiếc xuồng con cùng vài trăm mét lưới hoặc chiếc chài cá… thậm chí bằng “tay không” vẫn có thể kiếm được thu nhập. Lựa chọn những chỗ bóng mát, người ta có thể ngồi buông cần câu, nhưng cách làm này bắt được ít cá. Nhiều người chỉ với chiếc vợt lưới chừng 5-6m2 đi xúc cá ở gần những bè cá, những ụ cỏ trôi trên đồng lũ… để bắt cá, tôm. Người thì dỡ chà, giũ những đám cỏ (lục bình) cũng bắt được lươn, cua, cá…

Trên đồng nước nổi thuộc các xã: Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông… là nơi đón phù sa từ sớm, nhất là khu vực ngoài đê bao. Khi con nước “nhảy khỏi bờ” là người dân vùng đầu nguồn ra đồng, bắt đầu mùa làm ăn mới. Khi nước còn ít thì cắm câu, đặt lọp; nước lên kha khá thì đặt dớn, giăng lưới…

“Khoảng 10 năm trước, tôm, cá, cua, ốc… theo nước lũ về nhiều lắm. Cá linh lúc đó rất rẻ. Tôm, cua cũng nhiều vô kể. Còn bây giờ, sản vật tự nhiên giảm nhiều. Lâu lắm mới có 1 mùa lũ dồi dào như năm nay, ngư dân đầu nguồn tranh thủ kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống” - ông Phường (xã Phú Hội) chia sẻ.

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cùng lãnh đạo các ban, ngành huyện vừa có chuyến khảo sát thực tế việc triển khai thực hiện các mô hình sinh kế thuộc dự án WB9 tại xã Phú Hữu và Vĩnh Lộc. Ông Ngô Công Thức yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi các mô hình sinh kế trong dự án WB9 để kịp thời có những giải pháp giúp đỡ nông dân. Thông qua hiệu quả của từng mô hình để khuyến kích, vận động nông dân áp dụng thực hiện. Các xã tiếp tục có giải pháp phát triển thêm nhiều mô hình sinh kế mới, giúp nông dân tăng thu nhập mùa nước nổi, góp phần nâng cao đời sống.

 

HỮU HUYNH