Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh xuất hiện chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ và Vĩnh Phúc…
Tại Hà Nội, trong tuần (từ ngày 19-26/4), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 15 trường hợp mắc ho gà tại 11 quận, huyện, tăng 14 ca so với tuần trước đó.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.
Trong số 21 quận, huyện ghi nhận ca bệnh ho gà, Thạch Thất có nhiều ca nhất, với 7 ca; tiếp đến là Cầu Giấy, Hà Đông và Phúc Thọ, mỗi nơi 5 ca; Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thanh Trì, mỗi nơi 4 ca; Đông Anh và Long Biên, mỗi nơi 3 ca; các quận, huyện còn lại mỗi nơi 1-2 ca.
Theo CDC Hà Nội, ca bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%); trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%).
Ninh Bình cũng ghi nhận 4 ca dương tính với vi khuẩn ho gà, sau hơn 3 năm không ghi nhận ca mắc.
Ca đầu tiên được phát hiện vào tháng 2/2024, tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan. Bệnh nhi nữ (4 tháng tuổi, đã được tiêm một mũi vaccine 5 trong 1 có thành phần ho gà) khởi phát bệnh với các biểu hiện ho nhiều, nôn sau ho, sốt và kèm theo quấy khóc.
Sau 2 tuần tự điều trị tại nhà không đỡ, bệnh nhi đã nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp cấp, có cơn ho kịch phát, viêm phổi đồng nhiễm do phế cầu, kèm theo rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhi được chỉ định thở máy, dùng kháng sinh và lấy mẫu xét nghiệm PCR. Ngay khi có kết quả dương tính với vi khuẩn ho gà, bệnh nhi đã được điều trị tích cực theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Theo các chuyên gia, ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em.
Bệnh lây qua đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây nên. Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.
Bệnh ho gà có thể dẫn đến những biến chứng như: suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí dẫn đến ngừng thở và gây tử vong. Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
Đa phần trường hợp bệnh nặng tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi. Người lớn bị ho gà thường xuất hiện các triệu chứng ho không quá đặc biệt khiến lầm tưởng là những đợt ho thông thường và trở thành nguồn lây nhiễm chính cho trẻ nhỏ trong nhà.
Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng đã có nhiều văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine. Đối với bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...), ngành chức năng cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng Mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Bên cạnh tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; các địa phương tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.
Các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm do vi trùng, dễ lây qua đường hô hấp, trẻ em hay người lớn đều có thể lây nhiễm nếu không được tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, các cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh uốn ván-bạch hầu-ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.
Song song với đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.