(Ảnh minh họa)
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.544.324 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.600 ca nhiễm).
Trong tuần qua, các số liệu cho thấy dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt với số ca nhiễm mới, ca chuyển nặng, tử vong, số ca đang điều trị giảm mạnh.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.586 ca/ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 11 ca, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.
So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới ít hơn 16,4%; Số ca tử vong ít hơn 41,2%; Số ca khỏi bệnh ít hơn 32,7%; Số ca đang điều trị tại bệnh viện ít hơn 40,3%; Số ca nặng, nguy kịch ít hơn 15,3%; Thở ô-xy Mask, gọng kính ít hơn 7,1%; Thở máy xâm lấn ít hơn 33,9%.
So sánh tháng này với tháng trước, số ca mắc mới ít hơn 64,7%; Số ca tử vong ít hơn 62,3%; Số ca khỏi bệnh ít hơn 52,4%; Đang điều trị tại bệnh viện ít hơn 48,7%; Số ca nặng, nguy kịch ít hơn 41,7%; Thở ô-xy Mask, gọng kính ít hơn 45,3%; Thở máy xâm lấn ít hơn 32,4%.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Trọng Lân, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, Việt Nam chuẩn bị sẵn hai kịch bản phòng, chống dịch. Một là để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, hai là sẵn sàng các biện pháp dự phòng, không bị động để khi xuất hiện tình huống mới.
Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Lân, hiện nay trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn có nhiều thách thức, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể giảm động lực hoặc kháng lại vaccine. Đặc biệt, mọi người luôn phải nghĩ tới tình huống nhiều người đã mắc COVID-19 hoặc tiêm chủng với kháng thể giảm dần theo thời gian, vì vậy vẫn cần phủ rộng vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao trong tình hình mới.
Bộ cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho đối tượng cần.
Trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 được Tổ chức Y tế Thế giới ban hành ngày 31/3, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; Bộ Y tế tiến hành xây dựng dự phòng dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022-2023.
Bộ Y tế nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và tạo điều kiện cho người nhập cảnh Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương cho ý kiến về phương án điều chỉnh việc khai báo y tế tại cửa khẩu.
Theo Báo Nhân Dân