Đề án sẽ tập trung thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam. Qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội; góp phần chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống.
Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống. Theo đó, những dữ liệu được số hóa bảo đảm chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ các loại hình lễ hội truyền thống; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý các loại hình lễ hội truyền thống, bảo đảm sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội truyền thống Việt Nam.
Lễ hội tại đền vua Lê, Hoa Lư, Ninh Bình.
Đề án số hóa sẽ triển khai các nội dung gồm: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội; số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội; xây dựng, vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nhập số liệu điều tra, Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam và bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc nhập liệu, xử lý, tổng hợp và khai thác cơ sở dữ liệu; đào tạo, tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành hàng năm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về lễ hội Việt Nam cho phép lưu trữ, quản lý, khai thác và báo cáo từ các nguồn dữ liệu số hóa và điều tra thống kê, bảo đảm tra cứu thuận tiện đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về lễ hội, có khả năng tích hợp, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ, hệ thống đảm bảo an toàn dữ liệu. Từ cơ sở dữ liệu quản lý trên phần mềm, sẽ được đẩy lên Cổng thông tin lễ hội Việt Nam (đầu tư xây dựng đồng thời cùng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu), kết nối Internet phục vụ nhu cầu tra cứu và sử dụng của bạn đọc và quảng bá về giá trị văn hóa của lễ hội Việt Nam.
Đề án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ 2021 - 2022, với các nội dung: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống. Giai đoạn II từ 2023 - 2025 sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành.
Theo KHÁNH NGUYÊN (Báo Nhân Dân)