Sôi nổi bóng đá phong trào

09/05/2024 - 01:29

 - Là môn thể thao “vua”, bóng đá luôn được yêu thích, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng sân bãi, nhiều câu lạc bộ (CLB) bóng đá được thành lập, hoạt động nền nếp... góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân, đưa bóng đá phong trào ngày càng phát triển.

Thời gian qua, các cấp, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa từ doanh nghiệp, cá nhân để xây dựng sân bóng đá, tổ chức giải thi đấu bóng đá phong trào. Nhờ đó, số lượng người tham gia tập luyện và thi đấu bóng đá tăng lên. Vào mỗi chiều, không khí tập luyện, thi đấu giao hữu giữa các CLB bóng đá phong trào diễn ra sôi nổi, hào hứng, thu hút nhiều người chơi, dù ở thành thị hay nông thôn, trên sân cỏ nhân tạo hay sân đất.

Sau giờ làm việc, anh Lý Hoàng Thông (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long xuyên) thường ra sân chơi cùng anh em đồng nghiệp. Cứ đều đặn vào buổi tối thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, anh Thông tổ chức thi đấu giao hữu bóng đá. “Chúng tôi duy trì lịch cố định hơn 2 năm nay. Khi thì đá giao lưu với các đội bóng, khi thì tập luyện để tham gia giải phong trào. Mặc dù quy tụ nhiều "cầu thủ" với các ngành nghề khác nhau, nhưng chúng tôi có chung niềm đam mê với trái bóng tròn” - anh Thông chia sẻ.

Thi đấu bóng đá

Xuất phát từ nhu cầu tập luyện bóng đá, những năm gần đây, nhiều sân cỏ nhân tạo đã được cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của người yêu thích môn "vua". Hiện, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm sân bóng đá, trong đó, nhiều sân bóng đá được làm bằng cỏ nhân tạo. Không chỉ đầu tư sân bóng đá mi-ni 5 người, nhiều nơi xây dựng sân bóng đá 7 người, 11 người, phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của người dân.

Các sân bóng đá cỏ nhân tạo được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, hầu hết do tư nhân bỏ vốn đầu tư, tổ chức kinh doanh. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu không gian chơi bóng an toàn, tiện nghi (mặt cỏ nhân tạo, hệ thống chiếu sáng vào buổi tối), chủ sân cỏ còn cung cấp dịch vụ nước uống, đồ ăn nhẹ... càng tăng mức độ gắn kết với người thuê sân.

“Thời gian qua, đội bóng phát triển cả về số lượng và chất lượng, kết nạp thêm nhiều thành viên mới; thường xuyên tổ chức từ 2 - 3 trận/tuần. Vào dịp lễ, Tết, chúng tôi tham gia thi đấu giải bóng đá do các ngành, địa phương tổ chức, vừa nâng cao sức khỏe, vừa tăng cường giao lưu, gắn kết, học hỏi lẫn nhau” - anh Nguyễn Thanh Hảo (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) cho biết.

Nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho người đam mê trái bóng tròn, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều giải đấu, như: Giải bóng đá công nhân viên chức - lao động, giải bóng đá học sinh, giải bóng đá nông dân… Đây là những giải thể thao truyền thống được các ngành tổ chức hàng năm, chất lượng cao, góp phần động viên Nhân dân tích cực tập luyện thể thao, thi đua lao động sản xuất.

Vừa qua, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Chợ Mới phối hợp Hội Nông dân huyện tổ chức Giải bóng đá 7 người nông dân huyện Chợ Mới lần thứ XXIX/2024, với sự tham dự của 18 đội bóng xã, thị trấn. Kết quả, đội bóng xã Long Điền B đoạt chức vô địch; đội bóng thị trấn Chợ Mới hạng nhì; đồng hạng ba là đội bóng xã Mỹ Hội Đông và đội bóng xã Kiến An; đội bóng thị trấn Chợ Mới đạt giải phong cách.

Có thể thấy, số lượng CLB bóng đá phong trào ngày càng tăng lên, việc xuất hiện ngày càng nhiều giải đấu quy mô, chất lượng, không đơn thuần là sân chơi dành cho những người đam mê bóng đá, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ và rèn luyện sức khỏe của Nhân dân. Đây là tín hiệu vui đối với nền bóng đá của tỉnh, giúp ngành thể thao phát hiện, bồi dưỡng "mầm non" bóng đá. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục - thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

LÊ HOÀNG