Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã xác định: “Cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương”.
Lao động dệt may tại (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: TTXVN.
Hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cung cấp một số số liệu theo yêu cầu của Hội đồng Tiền lương quốc gia, nhưng theo tinh thần Nghị quyết 27 đề cập trên và Tổng Liên đoàn cũng đã nhiều lần đề nghị, song đến nay mức sống tối thiểu của người lao động vẫn chưa được cơ quan thống kê của Nhà nước công bố.
Do đó, Tổng Liên đoàn lao động đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để thu thập đầy đủ hơn thông tin tính toán mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, làm cơ sở Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm.
Thực tế qua hơn 10 năm thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, các cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia, việc xác định mức sống tối thiểu trên cơ sở tiêu chí về giá cá tiêu dùng, sinh hoạt… của người lao động các bên đưa ra khác nhau. Điều này dẫn đến những tranh cãi, bất đồng khi đưa ra mức lương tối thiểu vùng và Hội đồng tiền lương thường phải bỏ phiếu lấy theo đa số.
Theo Báo Tin Tức