Sống hài hòa với thiên nhiên

14/06/2022 - 06:43

 - Ngày quốc tế đa dạng sinh học được Liên Hiệp Quốc (LHQ) lựa chọn và phát động với chủ đề “Building a shared future for all life” (“Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”), nhằm hướng đến việc tạo động lực và hỗ trợ cho khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, sẽ được thông qua tại phần 2 của Hội nghị đa dạng sinh học của LHQ (COP15) vào cuối năm 2022; hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

 

Thu gom rác thải ở khu dân cư

Ngày môi trường thế giới 5/6/2022 được Chương trình môi trường LHQ (UNEP) phát động với chủ đề “Only One Earth” (“Chỉ một trái đất”), nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh, sạch hơn. 

Nhằm tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2022 với các nội dung trọng tâm. Theo đó, treo băng-rôn, pa-nô, áp-phích (khuyến khích từ các vật liệu thân thiện môi trường) tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động cộng đồng, như: Mít-tinh hưởng ứng, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc không sử dụng túi ny-lon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; sản xuất, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình phục vụ công tác BVMT, phục vụ lợi ích của cộng đồng và các hoạt động phát triển theo hướng bền vững.

Các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; phát triển kinh tế gắn với BVMT, thích ứng BĐKH; xây dựng lộ trình thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện môi trường; xây dựng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đề án, dự án BVMT theo thẩm quyền quản lý.

Các cơ quan báo chí tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề BVMT theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình, giải pháp BVMT hiệu quả. Ưu tiên vận dụng nền tảng công nghệ số để đa dạng hình thức truyền thông, như: Phát thanh, truyền hình, báo chí, trang tin điện tử, mạng xã hội, fanpage… Kịp thời phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó BĐKH…

Ông Trần Anh Thư yêu cầu tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2022 tập trung vào các nội dung: Tăng cường tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa 1 lần; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giữ gìn và phát huy các tri thức truyền thống, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa theo khuyến nghị và hướng dẫn của Ban thư ký Công ước đa dạng sinh học và Trung ương.

Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch, chiến lược, kế hoạch các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học, như: Nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo; quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nhất là các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên.

Tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và tăng cường hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư. Kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học, như: Hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước; phương thức canh tác, khai thác kém bền vững; kiểm soát sinh vật ngoại lai theo Văn bản 66/UBND-KTN, ngày 27/1/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường… Thực hiện giải pháp phục hồi hệ sinh thái; tăng cường thu thập, hệ thống hóa thông tin về đa dạng sinh học theo thẩm quyền quản lý làm cơ sở triển khai có hiệu quả công tác quản lý đa dạng sinh học theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

HỮU HUYNH