Europa là một trong 4 "mặt trăng của Galileo" do nhà bác học Galileo Galilei xác định từ thế kỷ XVII.
Hiện tại, nó là "con cưng" của NASA trong các sứ mệnh săn tìm sự sống ngoài hành tinh, bởi một loạt yếu tố phù hợp với sinh vật sống lần lượt được tiết lộ qua dữ liệu viễn thám của Juno cùng nhiều thiết bị nghiên cứu khác.
Tuy nhiên, công trình mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy cho rằng tốc độ oxy được tạo ra ở Europa thấp hơn đáng kể so với các ước tính trước đây.
Europa tạo ra oxy theo một cách đặc biệt.
Nó có đại dương lỏng bên dưới lớp vỏ đóng băng, nơi chứa đựng các điều kiện hỗ trợ sự sống. Trong khi đó, vỏ băng liên tục bị bắn phá bởi bức xạ, điều sẽ khiến băng bị phá vỡ thành oxy và hydro.
Phần lớn oxy và hydro sẽ được giải phóng khỏi bề mặt, thoát ra ngoài không gian, một phần được giữ lại cho bầu khí quyển.
Sự phong phú của các khí và ion trong khí quyển này - tương ứng với tốc độ sản sinh trên bề mặt - hầu hết được suy đoán bởi các quan sát không có độ bảo đảm cao.
Trong nghiên cứu mới, JADE đã giúp các nhà khoa học gạn lọc ra nhiều ion khác nhau. Đó là các hạt tích điện được tạo ra do sự phá vỡ các hợp chất trung tính trong khí quyển khi chúng va chạm với bức xạ năng lượng hoặc các hạt khác.
Từ dữ liệu này họ tính ra rằng khoảng 12 kg oxy được tạo ra trên bề mặt Europa mỗi ngày, thấp hơn kỳ vọng của các nghiên cứu trước, trong đó có cái cho rằng lượng oxy được tạo ra lên tới 1.100 kg/ngày.
Điều này có nghĩa phạm vi "sống được" của Europa có thể hẹp hơn chúng ta nghĩ. Tuy vậy, không có nghĩa là đại dương bên dưới không có sự sống. Europa vẫn có cơ hội ngập đầy những sinh vật cực đoan ít cần oxy hơn đa số sinh vật Trái Đất. Ngay cả Trái Đất cũng sở hữu các sinh vật cực đoan ít cần oxy như vậy.
Để có câu trả lời cuối cùng, chúng ta vẫn sẽ phải đợi Europa Clipper được NASA dự kiến phóng vào tháng 10-2024 với sứ mệnh chính là đi tìm sự sống ở nơi đây.