Thi đấu môn cờ người (Ảnh: GIA KHÁNH)
Cờ người là một trong những môn thể thao truyền thống đặc sắc diễn ra trong các dịp lễ hội, đặc biệt là trong những ngày Tết Nguyên đán. Không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang tinh thần thể thao trong một cuộc đấu đầy trí tuệ. Cờ người thực chất là môn cờ tướng do người đóng thành các quân cờ. Bàn cờ là sân đất rộng hoặc sân đình, trường học, công viên…
Giống như bàn cờ tướng, cờ người cũng có 32 người theo vai trò của 32 quân cờ, chia làm 2 đội. Thường 2 đội sẽ mặc 2 màu trang phục khác nhau, đứng tại các vị trí tương ứng trên bàn cờ. Trước ngực mỗi người chơi sẽ đeo một bảng tên của các quân cờ. Mỗi khi quân cờ này "ăn" quân cờ khác, các đấu thủ sẽ biểu diễn một màn song đấu ngay trên bàn cờ nhằm tạo không khí vui vẻ cho cuộc thi.
“Tôi thấy môn cờ người rất hay. Người biết chơi cờ đến xem để học hỏi nước đi, thế đánh trong bàn cờ của các kỳ thủ. Người không biết chơi cờ và đặc biệt là các em nhỏ như con tôi được xem các quân cờ cũng thể hiện màn biểu diễn võ thuật cổ truyền đẹp mắt, độc đáo” - anh Trần Đình Duy (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ.
Thi đấu môn đẩy gậy
Môn đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân, Tết, lễ hội... Đến nay, đẩy gậy đã được phổ biến rộng rãi và là môn thể thao được nhiều người yêu thích. Không chỉ riêng những nam thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tìm đến môn thể thao này, mà những cô gái có sức lực cũng tham gia tranh tài, thu hút nhiều người xem và cổ vũ.
Đối với kéo co, đây là môn thể thao tập thể rất phổ biến trong các dịp lễ, Tết. Cách chơi kéo co khá đơn giản, với dụng cụ là một chiếc dây thừng, số người chơi bao nhiêu tùy ý, chia làm 2 phe với số người bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là thắng. Tại lễ hội mùa Xuân ở các địa phương trong tỉnh hay những hoạt động hội thao, thường tổ chức trò chơi kéo co để gắn kết mọi người, tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi.
Thi đấu môn kéo co
Với mỗi người dân, được tham dự các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian không chỉ là dịp vui chơi, giải trí sau những tháng ngày lao động vất vả mà còn thể hiện sự mạnh mẽ, dẻo dai sau quá trình rèn luyện kiên trì. Trước khi lễ hội bắt đầu, các xóm, ấp thường lựa chọn những người khỏe mạnh, khéo léo tham gia các môn thể thao truyền thống, không khí lễ hội sôi động, thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ. Dù thắng hay thua, tất cả mọi người đều rất vui vẻ, tình đoàn kết, gắn bó giữa bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp thêm bền chặt.
“Tôi rất thích các môn thể thao truyền thống, như: Kéo co, đẩy gậy, cờ tướng… Những môn thể thao này luôn tạo không khí vui tươi, được nhiều người yêu thích, hưởng ứng nhiệt tình. Thể thao không chỉ giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp nối văn hóa truyền thống do cha ông để lại” - ông Huỳnh Văn Biên (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ.
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nhiều loại hình giải trí hiện đại xuất hiện, nhưng các môn thể thao truyền thống dân tộc đến nay vẫn được duy trì và có sức hút mạnh mẽ. Các môn thể thao này không chỉ giúp người dân rèn luyện sức khỏe, mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Do vậy, việc tổ chức các môn thể thao dân gian trong dịp lễ, Tết không những thúc đẩy phong trào tự rèn luyện sức khỏe của các tầng lớp nhân dân, mà còn nâng cao ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TRỌNG TÍN