Sụp, lún cặp sông Cái Vừng, ảnh hưởng nhiều nhà dân và bè cá

16/03/2023 - 15:46

 - Chiều 16/3, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, đang phối hợp UBND TX. Tân Châu và các sở, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ, xử lý tình trạng răn nứt bờ sông Cái Vừng, đoạn qua địa bàn phường Long Sơn (TX. Tân Châu).

Vị trí xảy ra sụp lún

Theo báo cáo nhanh của UBND phường Long Sơn,  lúc 10 giờ 30 phút, ngày 14/2/2023, trên sông Cái Vừng (cách cổng chào TX. Tân Châu khoảng 20m về hướng thị xã, thuộc khóm Long Thạnh 1, phường Long Sơn) xuất hiện vết nứt rộng khoảng 10cm, có hiện tượng sụp, lún bờ sông, dài 52m, cách Tỉnh lộ 954 khoảng 19m, ảnh hưởng đến 7 căn nhà, 1 kho, 27 nhân khẩu. Ngày 16/2, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang đã tiến hành khảo sát, đo đạc địa hình đáy sông Cái Vừng. Chiều dài đoạn đo 750m, từ đầu kênh Thần Nông về hạ nguồn, chiều rộng sông Cái Vừng trung bình 130m.

Qua khảo sát, đây là hiện tượng sụp, lún bờ, vị trí đoạn sụp, lún nằm về hạ nguồn bến đò số 5 là 270m. Ven bờ sông xuất hiện vết nứt rộng 10cm, kéo dài 52m dưới dạng vòng cung. Ven bờ đông đúc nhà trên cọc (người dân ép cọc lên mái bờ), ngay đoạn sụp lún dưới sông có 2 cụm bè nuôi cá (5 bè cá và 6 vèo), trên bờ có tuyến Tỉnh lộ 954 cách bờ 20m.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang Tô Hoàng Môn, khu vực đo đạc có địa hình có đáy sông không phức tạp, độ sâu phổ biến khoảng -8m đến -10m, không xuất hiện hố sâu bất thường. Dòng chảy có khuynh hướng áp sát bờ phường Long Sơn, xuất hiện lạch sâu kéo dài, ven bờ là khu vực nuôi cá lồng bè, gây rẽ hướng dòng chảy, góp phần gây đào xói vào chân bờ. Ven bờ, nhiều nhà trên cọc, người dân thường ép cọc, kê nới nhà ra phía bờ sông làm phá liên kết bờ. Do bờ sông gần Tỉnh lộ 954, thường xuyên chịu áp lực của tải trọng xe cộ; đường bờ được kết cấu bởi đất phù sa liên kết yếu, có nguy cơ sạt lở, sụp lún cao. Đây là đoạn bờ đã được cảnh báo sạt lở nguy hiểm hàng năm của Sở TN&MT.

Sở TN&MT An Giang xác định nguyên nhân răn nứt và sạt lở khu vực này là do mái bờ dốc đứng, dòng chảy áp sát bờ, tình hình mưa lớn tạo các dòng chảy thấm ngầm, độ chênh lệch mực nước và bề mặt bờ làm gia tăng khả năng trượt lở. Bên cạnh đó, đường bờ còn chịu ảnh hưởng của tải trọng nhà dân, tác động xây bó nền, đóng cọc, làm gia tăng tải trọng, phá vỡ liên kết mái bờ làm gia tăng khả năng xảy ra trượt lở.

Trên cơ sở kiến nghị của Sở TN&MT An Giang, Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê giao UBND phường Long Sơn thường xuyên theo dõi đường bờ từ bến đò số 5 đến kênh Km5, đặc biệt là tại điểm sạt lở lên thượng nguồn 50m và về hạ nguồn 50m. Phường thông báo cho người dân trong khu vực theo dõi các dấu hiệu trên, tránh nguy cơ sạt lở gây thiệt hại tính mạng con người và tài sản; không để người dân xây dựng, cơi nới lấn ra lòng sông. UBND phường Long Sơn báo cáo những diễn biến bất thường về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự TX. Tân Châu (Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường).

Ông Nê giao Phòng Kinh tế TX. Tân Châu phối hợp UBND phường Long Sơn rà soát, bố trí, sắp xếp các bè nuôi thủy sản đảm bảo khoảng cách phù hợp, an toàn, xa bờ, không gây cản trở, làm thay đổi hướng dòng chảy. Đồng thời, giao Phòng Quản lý đô thị tham mưu UBND TX. Tân Châu có văn bản đề xuất sở Giao thông vận tải An Giang thông báo hạn chế và giảm tốc độ các phương tiện giao thông thủy khi lưu thông qua khu vực răn nứt, sạt lở này.

UBND TX. Tân Châu giao Phòng Kinh tế phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, UBND phường Long Sơn nhanh chóng khảo sát và có chính sách hỗ trợ khắc phục những thiệt hại do sạt lở gây ra. Bên cạnh đó, tham mưu UBND thị xã phối hợp các sở, ngành tỉnh và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh có giải pháp hạn chế sạt lở khu vực này.

NGÔ CHUẨN