Tái hiện hình ảnh “Việt Nam với những sắc màu dân tộc” tại Hà Nội

03/04/2021 - 18:34

Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức các hoạt động với chủ đề “Việt Nam với những sắc màu dân tộc” diễn ra từ ngày 1-4 đến 3-5, tại không gian của Làng.

Các hoạt động có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào thuộc 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) và 12 địa phương trong cả nước.

Ngoài ra, còn có khoảng 15 người dân tộc Dao, 10 người của dân tộc Mông, 15 người của dân tộc La Chí (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang), 15 người dân tộc Thái tỉnh Sơn La; diễn viên Nhà hát Múa Rối Việt Nam...

Múa dân gian của các nghệ nhân dân tộc Tà Ôi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: BTC cung cấp.

Hoạt động điểm nhấn chủ đề: “Chợ phiên vùng cao - Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang” sẽ tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ẩm thực, của các dân Dao, Mông, La Chí, Thái... Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của UBND huyện Hoàng Su Phì… sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông - lâm nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, các món ăn ẩm thực đặc trưng của huyện Hoàng Su Phì... Tại đây sẽ có 10 nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông (huyện Hoàng Su Phì) tham gia hoạt động múa khèn bên chảo thắng cố và tái hiện cảnh kéo vợ giữa chợ.

“Kéo vợ” - phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Hà Giang. Phong tục này hình thành từ lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người Mông. Tục “kéo vợ” chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông, vừa chất phác, vừa táo bạo nhưng cũng không kém phần ý nhị. “Kéo vợ” là thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của chàng trai, cô gái Mông mà không có sự ép buộc. Giới thiệu Tục “Kéo vợ” tại chợ phiên tại Hà Nội giúp cho du khách hiểu và cảm nhận rõ hơn về phong tục độc đáo này và cùng với địa phương chung tay bảo tồn phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang.

Để quảng bá hình ảnh sắc màu văn hóa, thiên nhiên Hoàng Su Phì khoảng, Ban tổ chức sẽ trưng bày 40 bức ảnh chủ đề “Đất và người Hoàng Su Phì” được trưng bày dọc tuyến đường vào chợ vùng cao. 

Trong khuôn khổ chương trình còn có tái hiện Lễ mở kho xin giống của đồng bào dân tộc La Chí huyện Hoàng Su Phì; Tết thanh minh của đồng bào dân tộc Dao huyện Ba Vì (Hà Nội); chương trình dân ca dân vũ “Tây Bắc gọi mời”...

Theo KHÁNH HUYỀN (Quân đội nhân dân)