Theo PopularMechanics, Tháp nghiêng Pisa được xây dựng trên một nền đất mềm và vào thời điểm xây dựng, người ta đã xây nhiều tầng của tháp này cùng lúc. Các kỹ sư xuyên suốt chiều dài lịch sử đã luôn nghĩ rằng tháp nghiêng cuối cùng cũng sẽ hết nghiêng.
Thế nhưng, Tháp nghiêng Pisa đã vất vả sống sót kể từ khi nó được hoàn thành vào năm 1372. Năm 1964, chính phủ Ý tuyên bố rằng họ đang tham khảo ý kiến của công chúng về cách làm thế nào để ngăn toà tháp này không bị sập, và kể từ đó, nhiều nỗ lực đã được đề ra, từ sử dụng ni-tơ lỏng đến hút đất, để giúp kỳ quan kiến trúc này đứng vững. Và giữa những lo ngại về sự sụp đổ, Tháp nghiêng Pisa đã đứng vững trước những trận động đất với cường độ vượt quá 6.0 thang Richter.
Hoá ra, chính loại đất khiến tháp bị nghiêng lại là một phần trong cơ chế bảo vệ tháp khỏi các trận động đất. Độ cao của Tháp - 55 mét - kết hợp cùng độ cứng của loại cẩm thạch dùng để xây nên nó, cũng đóng một vai trò quan trọng. Cùng nhau, ba yếu tố này đã điều chỉnh các thuộc tính rung của toà tháp đến mức nó không còn cộng hưởng với chuyển động của mặt đất trong suốt các trận động đất!
"Thật trớ trêu khi cũng chính loại đất gây nên sự nghiêng bất ổn định và khiến tháp đứng bên nguy cơ sụp đổ, lại đáng được cảm ơn vì đã giúp nó sống sót qua các sự kiện địa chất kia" - George Mylonakis đến từ Đại học Bristol, người cùng với các nhà khoa học Ý tại Đại học Roma Tre tiến hành nghiên cứu, cho biết.
Quả là kỳ lạ, khi toà tháp đặc biệt này lại hình thành ngay trên một bối cảnh đặc biệt như vậy. Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã tạo nên một bản đồ quét laser 3D của toà tháp để hiểu rõ hơn về việc tại sao nó vẫn đứng vững. Một toà tháp đã gần một ngàn tuổi, nhưng đến nay vẫn còn khiến chúng ta phải đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.
Theo VnReview