Tạm biệt 2 năm quân ngũ

31/01/2024 - 21:58

 - Vậy là thêm một thế hệ thanh niên thi hành xong nghĩa vụ quân sự, được xuất ngũ trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hai năm quân trường, nhanh như cái chớp mắt. Mới ngày nào, các thanh niên còn bỡ ngỡ với môi trường quân đội, giờ lại quyến luyến, chưa nỡ rời xa doanh trại, đồng chí, đồng đội…

Tháng 2/2022, hơn 1.000 thanh niên toàn tỉnh An Giang bước chân vào quân ngũ, trong bộ quân phục còn vương nếp gấp, chiếc ba-lô chứa quân tư trang thiết yếu – rất lạ lẫm với họ. Cùng với thanh niên nhiều địa phương khác, họ trở thành đồng đội trong sự bỡ ngỡ, lúng túng, lo lắng tương tự nhau. Chờ đón mọi người là cuộc sống mới, môi trường mới, gắn liền với rèn luyện, kỷ luật: “Chăn vuông góc, tóc 3 phân”.

Ngày 29/1, nhiều đơn vị quân đội đồng loạt giải quyết cho hạ sĩ quan – binh sĩ xuất ngũ năm 2024. Tại Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), gần 370 chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. “Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình mọi mặt của hạ sĩ quan – binh sĩ chuẩn bị xuất ngũ, kịp thời động viên, giúp đỡ và giải quyết khó khăn trong quá trình các đồng chí thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

Mỗi đồng chí được nhận 25,3 triệu đồng, phần quà trị giá 400.000 đồng, 1 bộ quần áo thường phục, 1 thẻ học nghề. Trung đoàn phối hợp 3 trường dạy nghề tuyên truyền, hướng nghiệp cho chiến sĩ. Hiện nay, 168 trường hợp đăng ký học nghề, học lái xe, 15 trường hợp cung cấp thông tin cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai, hướng đến xuất khẩu lao động” – trung tá Nguyễn Quang Hòa, Chính ủy Trung đoàn 892 thông tin.

Chiến sĩ bày tỏ tâm tư trước khi xuất ngũ

Trước khi xuất ngũ 1 tuần, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị tổ chức sinh hoạt, gặp gỡ từng cấp để tiếp tục nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quân nhân. Một số ý kiến được quân nhân chia sẻ, liên quan đến chế độ ăn uống, chế độ được hưởng khi tham gia công trình quân đội; việc sử dụng thẻ học nghề và tư vấn nghề… Từng ý kiến được giải trình, kết luận thỏa đáng, giúp chiến sĩ thật sự yên tâm trở về cuộc sống đời thường.

Sau đó, các quân nhân lại được dịp gặp gỡ, đối thoại với Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 892, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Chiến sĩ Lê Tấn Đạt khá ngại ngùng khi chia sẻ trước đông người: “Sau thời gian được rèn luyện, học tập trong đơn vị, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành rất nhiều, từ tác phong, ngôn phong, tính kỷ luật, tinh thần vì tập thể… Sắp chia tay đồng đội, tôi cảm thấy lưu luyến, xúc động lắm”.

“Chúng tôi muốn lắng nghe tâm tư của chiến sĩ sau 2 năm gắn bó với quân đội, những đóng góp, ý kiến của các đồng chí khi rời quân ngũ. Lúc đầu, hầu như đồng chí nào cũng ngán ngại vì thay đổi nếp sống, môi trường, phải tuân theo kỷ luật (10 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần). Dần dần, tất cả đã quen, hiểu rõ rằng kỷ luật mới tạo nên sức mạnh của quân đội.

Ngoài ra, các đồng chí được rèn luyện tinh thần đoàn kết, làm việc theo nhóm; tăng cường kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, có dịp đóng góp trí tuệ, sức khỏe, mồ hôi cho đơn vị. Những yếu tố này sẽ là nền tảng kinh nghiệm, kỹ năng hữu ích để các đồng chí sinh hoạt, làm việc khi xuất ngũ” – đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang khẳng định.

Những hoạt động vui tươi chia tay chiến sĩ xuất ngũ

Đại tá Nguyễn Thúc Linh dặn dò thật kỹ rằng, với độ tuổi rất trẻ (từ 20 trở lên), từng cá nhân hãy nỗ lực phấn đấu, đừng an phận với những ước mơ nhỏ hẹp, quẩn quanh trong môi trường chật hẹp, tù túng.

Bên cạnh chí thú học nghề, tìm việc làm ổn định, thu nhập cao, quân nhân xuất ngũ cần tiếp tục làm tròn nghĩa vụ với đất nước, bằng cách ghi danh vào lực lượng dự bị động viên ở địa phương; bằng cách chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi người cần giữ vững bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, biết tránh xa cạm bẫy tệ nạn xã hội, biết “chọn bạn mà chơi”, để mãi xứng đáng với màu áo lính từng mặc.

Chiến sĩ Trần Minh Tâm học nghề điện lạnh ở Trường Cao đẳng Nghề An Giang, trước khi tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự. Hoàn thành trọng trách với Tổ quốc rồi, anh lại bắt đầu cân nhắc cho tương lai của mình.

“Gia đình tôi định hướng cho tôi đi xuất khẩu lao động. Vừa rồi, khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai đến đơn vị tư vấn, hướng nghiệp, tôi đã đăng ký thông tin. Tuy nhiên, chọn ngành nghề nào, tham gia thời điểm nào… tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Tôi muốn tạo dựng cuộc sống thật vững chắc, phù hợp khả năng và hoàn cảnh gia đình mình” – Tâm bày tỏ.

Trước hôm xuất ngũ, chiến sĩ được tham dự đêm liên hoan chia tay. Họ cùng sinh hoạt văn hóa - văn nghệ lần cuối bên nhau, trong đơn vị thân thương, rưng rưng nói lời tạm biệt. Họ cùng cắt chiếc bánh kem tượng trưng cho tình đồng chí, đồng đội chia ngọt sẻ bùi.

Những ngọn nến lung linh như thắp sáng ước mơ cho chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ, thắp sáng luôn khát vọng cống hiến cho chiến sĩ còn ở lại. Họ gặp nhau khi mười tám, đôi mươi. Kể cả sau này, thời gian trôi qua, những mái đầu điểm bạc, chắc chắn kỷ niệm vẫn khắc sâu trong lòng, không thể xóa nhòa tình cảm thiêng liêng thuở ấy.

GIA KHÁNH