Sư Vạn với nụ cười phúc hậu
Năm nay, sư Vạn đã 88 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Nhìn tôi với ánh mắt phúc hậu, sư Vạn nói trong niềm hạnh phúc: “Những khi không đi làm từ thiện hay quyên góp, vận động nhà hảo tâm thì tôi lo việc tụng kinh và giảng dạy Phật pháp! Càng dấn thân, càng năng nổ với việc giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật, tôi chẳng bao giờ thấy mệt, ngược lại càng thấy rất khỏe! Đó là lý do vì sao tôi nói thấy mọi người vui vẻ, hạnh phúc thì mình cũng được vui”.
Những hoạt động từ thiện của sư Vạn chủ yếu là cất nhà Tình thương, trao tặng bò cho hộ nghèo, cấp phát học bổng cho học sinh nghèo, trợ giúp người ốm đau bệnh tật, xây cầu, làm đường. “Nhờ chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện ủng hộ nên tôi mới có cơ hội giúp đỡ người nghèo. Tôi không nghĩ việc mình làm là lớn lao. Tôi chỉ là chiếc cầu nối gắn kết giữa chính quyền, nhà hảo tâm và người nghèo lại gần nhau hơn mà thôi!” - sư Vạn khiêm tốn bày tỏ. Nhưng để làm được như sư Vạn là điều không dễ và không phải ai cũng làm được. Bởi, ngoài cái tâm trong sáng cần phải có uy tín, được mọi người kính trọng, yêu quý mới có khả năng vận động nhiều nhà hảo tâm chung tay vun đắp cho xã hội.
Sư Vạn cho biết, từ khi xuất gia, ông đã ấp ủ 4 tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời và không lúc nào ngừng nghĩ về nó. Một là, xây dựng cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Hai là, tạo được cơ sở nuôi dưỡng người già yếu. Xây dựng 1 bệnh viện hoặc phòng khám đông y để chăm sóc người bệnh khó nghèo là tâm nguyện thứ 3. Cuối cùng là cố gắng tạo được nơi an nghỉ chu đáo cho người đã khuất. Hiện, tâm nguyện 1 và 4 đã thành hiện thực khi sư Vạn đã nỗ lực vận động, kêu gọi sự đồng lòng của xã hội để xây dựng Cơ sở giáo dục nội trú tình thương Khai Trí (thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) và Nghĩa trang Nhân dân xã Vĩnh Trạch.
“Điểm tôi hài lòng nhất chính là cách thiết kế, xây dựng các mộ phần nơi đây. Tất cả đều thống nhất 1 kiểu mẫu, không nhỏ hay lớn hơn. Được người quen giới thiệu, tôi xin được phần đất hoàn toàn miễn phí cho má mình yên nghỉ, nếu ở ngoài sẽ có giá rất cao. Được an nghỉ trong nghĩa trang này, theo tôi là diễm phúc của những người đã mất” - anh Tạ Quang Dũng (sinh năm 1970, ngụ TP. Long Xuyên) bày tỏ. Nghĩa trang Nhân dân xã Vĩnh Trạch được sư Vạn vận động xây dựng năm 2015, với diện tích 1,5ha, gồm các hạng mục: khu địa táng (1.000 phần mộ), khu nhà quàng (2 bảo tháp cao 9 tầng, mỗi tháp chứa 5.000 cốt hỏa táng), với tổng kinh phí xây dựng gần 18 tỷ đồng. Không phân biệt giàu nghèo, quê quán, hễ thân nhân người mất có nhu cầu, nghĩa trang sẽ dành một phần đất miễn phí để người mất được an nghỉ. Hiện, sư Vạn vừa khởi công xây dựng thêm cơ sở dưỡng lão, chăm sóc người cao tuổi tại xã Vĩnh Trạch. Công trình có vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, với các hạng mục: nơi ăn, nghỉ, chăm sóc y tế người già, nơi sinh hoạt giải trí... trên diện tích 2ha. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động sau 3 năm.
Chủ tịch UBMTTQ xã Vĩnh Trạch Huỳnh Công Tấn cho biết: “Sư trụ trì Thích Giác Vạn có tấm lòng từ bi và cái tâm bao la với người nghèo. Những hoạt động của sư đã góp phần rất lớn vào an sinh xã hội và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Trong 10 năm gần đây, sư Vạn đã vận động và đóng góp thiết thực cho địa phương bằng nhiều công trình, phần việc cụ thể với số tiền trên 40 tỷ đồng”. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN