Tấm lòng của người đàn ông khuyết tật với người nghèo

12/09/2019 - 06:58

 - Mất đi vĩnh viễn đôi tay từ một vụ tai nạn lao động nhưng không vì thế mà ông Lê Văn Bá (ngụ tổ 8, ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) từ bỏ ý niệm làm việc thiện lành giúp đỡ người nghèo. Ông đã cùng các anh em trong Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch xây cất nhiều mái ấm cho các gia đình nghèo, bất hạnh.

Tấm lòng của người đàn ông khuyết tật với người nghèo

Ông Bá (thứ 3, từ trái sang) đến bàn giao nhà cho bà Nguyễn Thị Chắc (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) 

Ông Lê Văn Bá (năm nay 63 tuổi) vốn là một người thợ xây dựng, làm thầu công trình từ thời thanh niên. Điều không may mắn đã xảy ra với ông vào năm ông 48 tuổi, trong lúc xây dựng nhà trên tầng cao, tay ông cầm thanh sắt đứng cách đường dây điện trung thế không xa. Vụ phóng điện đã làm ông mất đi đôi bàn tay, vết thương sau đó tiếp tục ăn sâu làm mất thêm một phần ba đôi cánh tay của ông. Vượt qua 6 lần phẫu thuật, đến khi lành lặn dù buồn nhưng ông đã sớm thích nghi với cuộc sống không tay, tự mình rèn luyện các cách thức để sinh hoạt, hạn chế đến mức thấp nhất chuyện nhờ vả vợ con.  

Ông Bá vốn là người hiền lành, nhân hậu, luôn có tấm lòng san sẻ với người nghèo, nay bản thân ông phải sống trong hoàn cảnh khuyết tật vì thế ông càng thấu hiểu hơn những khó khăn, thiếu thốn, bất hạnh trăm bề của những gia đình nghèo khó. Thế là ông đã nguyện đến suốt cuộc đời phải hết lòng phục vụ, còn thở ngày nào là phải làm các việc thiện nguyện san sẻ với cộng đồng. Khi được hỏi gắn bó với công việc cất nhà cho người nghèo hơn chục năm qua, ông đã cất được bao nhiêu căn nhà, ông Bá mỉm cười nói: “Tôi làm từ thiện chỉ xuất phát từ cái tâm nên nào giờ không có ghi lại, không muốn kể công bao nhiêu hết, chủ yếu thấy người nghèo có mái nhà lành lặn ở là tôi vui lắm rồi”.

Dù không còn trực tiếp cầm trên tay từng viên gạch xây dựng nhà nhưng với kinh nghiệm lâu năm của người thợ lành nghề, ông Bá ước lượng chính xác kinh phí xây dựng, thiết kế kết cấu nhà linh hoạt vừa đảm bảo chất lượng, vừa tiết kiệm chi phí xây dựng và thuê nhân công. Ông Bá chia sẻ: “Còn nhớ cái duyên đầu tiên đưa đẩy tôi đến việc thiện nguyện là chú Bảy Đét trước khi mất để lại 50 triệu đồng, nhắn nhủ anh em cố gắng làm việc thiện nguyện giúp đời. Thế là anh em chúng tôi thống nhất cất trụ sở Ban Trị sự Phật Giáo Hòa Hảo xã và bếp ăn tình thương phục vụ hàng ngàn học sinh ăn trưa trong suốt 10 năm qua. Thấy việc mình làm ý nghĩa, nhiều người dân chung tấm lòng đã cùng nhau đóng góp thêm, thế là các anh em có thêm kinh phí nghĩ đến việc xây dựng đường, cầu nông thôn, nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.

Việc làm từ thiện ở đâu còn khó trong khâu huy động người dân trong lúc nông nhàn đóng góp công sức, còn với ông là điều khá dễ dàng. Bởi chính uy tín lâu năm trong nghề của ông, cộng thêm tấm lòng vì người nghèo đã có sức lan tỏa làm các thợ thầy khác cũng cùng chung tấm lòng thiện nguyện. Ông Bá cho biết: “Ngay trong nhà tôi, 1 con trai và 3 con rể cũng nối nghiệp tôi làm thầu xây dựng. Khi tôi chia sẻ muốn làm nhà ở đâu là các con đều huy động thợ đến làm ngay. Có căn nhà tiền chế làm đạt mức kỷ lục 2 ngày là lắp ráp xong toàn bộ”.

Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch Huỳnh Công Tấn cho biết: “Anh Bá đã rất nhiệt tình trong công tác xây dựng bếp ăn tình thương, xây dựng cầu, đường, nhà cửa cho người nghèo. Bên cạnh đó, anh còn đóng góp về mặt tinh thần, tạo dựng uy tín cá nhân, tập thể để kêu gọi các nhà hảo tâm khác cùng chung công tác thiện nguyện. Với cá tính tự lực, cương trực “nói là làm”, anh Bá đã chia sẻ rất nhiều phần việc với địa phương, cùng với chính quyền đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG