Tấm lòng từ thiện của ông Bé

21/07/2022 - 07:59

 - Giữ vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, đồng thời là Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Trung (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), ông Phạm Ngọc Bé vừa xông xáo chăm lo công tác nhân đạo cho nhân dân, vừa vận động tín đồ tham gia cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Ngọc Bé cho biết, cha của ông ngày xưa rất giàu lòng hảo tâm giúp người. Sau này, ông Bé có thêm cha vợ cũng là người tâm huyết với việc thiện. Noi theo họ, ông nỗ lực đóng góp công sức, tham gia vào thành viên của Hội Chữ thập đỏ xã và nhiều năm sau được tín nhiệm bầu chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Trung. Mỗi năm, căn cứ chuyên đề Đảng ủy xã Tân Trung phát động việc học tập và làm theo Bác, Hội Chữ thập đỏ xã triển khai thực hiện theo nội dung đặc thù của từng tổ do hội quản lý.

Tiếp nối từ các thế hệ trước, việc từ thiện ngày càng mở rộng, duy trì có trọng tâm, nên hiện nay, ông đã thành lập khá nhiều tổ. Điển hình, như: Tổ cất nhà tham gia cất nhà Đại đoàn kết và nhà Tình thương trong và ngoài địa phương; Tổ dược liệu vừa trồng các cây thuốc vừa vận động nhân dân tham gia để cung cấp nguyên liệu bào chế tại chỗ; Tổ sửa chữa đường có cả những thành viên lớn tuổi, nhưng ai cũng nhiệt tình, hễ đoạn đường nào hư hỏng là có mặt tham gia dặm vá.

Còn Tổ nắm gạo tình thương được xây dựng ở địa bàn 5 ấp, vận động đều đặn vào ngày rằm hàng tháng. Phần gạo ủng hộ sẽ được chia cho các hộ nghèo. Riêng phần tiền của người dân đóng góp sẽ để dành hỗ trợ trường hợp ốm đau đột xuất 500.000 đồng/lượt người. Những trường hợp quá khó khăn, tổ phối hợp địa phương xác minh và có giải pháp hỗ trợ gạo, tiền thường xuyên. Nhờ đó, theo thời gian, dù cách ủng hộ “nắm gạo” của người dân có thay đổi, mục đích giúp người vẫn phát huy hiệu quả, nên được người dân đồng tình duy trì đến nay.

Ông Bé theo dõi công trình nghĩa trang nhân dân do Hội Chữ thập đỏ xã vận động nâng cấp

Đặc biệt, Hội Chữ thập đỏ xã còn thành lập được trạm cứu hộ đường thủy. Do nơi đây thuộc vị trí đoạn sông Vàm Nao, ngày xưa, nước chảy xiết, gặp tai nạn đường thủy rất khó cứu hộ. Hội Chữ thập đỏ xã tiền nhiệm đã lập ra trạm này để giúp đỡ người không may. Từ khi tiếp quản tổ chức hội, ông Bé vận động mua mới chiếc tắc ráng cho thành viên trạm di chuyển thuận lợi hơn. Ông Bé cho hay, so với trước đây, hiện đã không còn các sự cố nghiêm trọng, thời gian qua chỉ có sự cố ghe thủng và được trạm cứu vớt tài sản.

Theo ông Phạm Ngọc Bé, các tổ từ thiện được duy trì hoạt động thường xuyên, cho đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì tạm dừng, dồn lực chuyển sang phối hợp chính quyền hỗ trợ người dân. Suốt 2 năm, lực lượng thiện nguyện hỗ trợ bằng nhiều cách cho lực lượng trực chốt và người dân tại nhà. “Những việc làm lúc đó là trách nhiệm và cái tâm của anh em nên nhiều người tuổi cao vẫn dốc hết lòng, hết sức. Qua dịch, ai lại trở về lo việc nấy, sắp xếp chu toàn việc nhà thì còn lo việc xã hội” - ông Bé chia sẻ.

Một trong những công trình Hội Chữ thập đỏ xã đang dồn sức là nâng cấp nghĩa trang nhân dân. Từ khu đất hơn 8.000m2 huy động nhân dân đóng góp nhiều năm trước, đến nay, tiếp tục mở rộng 13.300m2. Con đường chính đi lại khó khăn, ông Bé kêu gọi người dân góp sức xây dựng thông thoáng. Kế đó là thiết kế quy cách chôn cất theo thứ tự, đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh ảnh hưởng tới các hộ sống xung quanh. Phần đất còn trống trong nghĩa trang được các chú tận dụng trồng cây bạch đằng để khai thác gỗ cất nhà Tình thương.

Ông Phạm Ngọc Bé tâm sự: “Nhờ dày công tu bổ, chỉnh trang cảnh quan đàng hoàng, tiếp nhận người qua đời không phân biệt hoàn cảnh… người dân mới thấy được tấm lòng của mình với người đã khuất. Thời gian qua, ngoài vận động kinh phí, các hộ còn ủng hộ gạch, xi-măng… cũng bởi đồng tình với việc làm của hội mới được như vậy. Làm từ thiện là phải gắn bó, dành trọn cái tâm, hễ làm được thì mọi người ủng hộ”.

Phần lớn thành viên tham gia vào hoạt động của Hội Chữ thập đỏ xã đều cao tuổi, không ai đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào, mà cùng tâm niệm dành thời gian giúp xã hội để đổi lấy niềm vui. Tuy nhiên, nhằm động viên các chú, ông Bé đã vận động được nguồn tài trợ bảo hiểm y tế hàng năm cho 4 tổ trưởng, luân phiên mỗi năm thay lượt để quyền lợi thụ hưởng đồng đều.

Năm 2022, ông Phạm Ngọc Bé là đại diện cá nhân cùng với 1 tập thể của huyện Phú Tân tham dự giao lưu gương điển hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cấp tỉnh. Ông Bé kể về các nhân vật được gặp trong niềm ngưỡng mộ và tự nhận phần việc của mình chỉ là đóng góp nhỏ, nhờ được người dân và chính quyền tin tưởng mới có thành quả. Khiêm tốn là vậy, nhưng quê nhà, ông Bé là niềm tự hào của con cháu, tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác 5 năm qua, được lãnh đạo huyện tuyên dương. Đồng thời, suốt thời gian gắn bó với công tác nhân đạo, ông Bé đã nhận rất nhiều khen thưởng cấp tỉnh và huyện.

MỸ HẠNH