Tầm nhìn chiến lược trong xây dựng xã hội học tập

23/10/2018 - 06:48

 - Đó là những gương gia đình hiếu học, dòng họ học tập hay những nguồn quỹ Khuyến học, khuyến tài (KHKT) được sáng lập dựa trên mục đích phục vụ công tác KHKT. Những nhân tố quan trọng ấy cần được phát huy và nhân rộng để hướng đến một xã hội học tập (XHHT) bền vững.

Ngay từ buổi đầu lập nước, Bác Hồ đã lưu tâm đến việc xây dựng “Gia đình hiếu học”, coi gia đình (GĐ) - nhà trường - xã hội là 3 môi trường quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hiện thực đã chỉ ra rằng, địa phương nào có nhiều GĐKH, dòng họ hiếu học thì sự văn minh, tiến bộ, phát triển vượt bậc.

GĐ là nơi sớm nhất hình thành giá trị đạo đức, là nơi đầu tiên khuyến khích, động viên con người học tập, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đó là cơ sở để xây dựng XHHT hiệu quả nhất. Tất nhiên, có người sẽ tiếp nối truyền thống hiếu học của GĐ, dòng họ làm động lực cho bản thân. Nhưng cũng có không ít trường hợp xây dựng GĐ hiếu học từ những trắc trở, khó khăn của cuộc đời. GĐ chú Chung Phát Trường (sinh năm 1938, ngụ ấp Nam Sơn, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) là trường hợp như vậy.

Tầm nhìn chiến lược trong xây dựng xã hội học tập

Khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho quỹ Khuyến học – khuyến tài thị trấn Núi Sập

“Những năm 1964, GĐ tôi được xếp vào hạng nghèo của địa phương. Nhà không ruộng đất, bản thân tôi không được học hành đến nơi đến chốn. Tôi lập GĐ nhưng trong tay bấy giờ không có nghề nghiệp ổn định vì sự học dang dở.

Khi 4 đứa con lần lượt ra đời, tôi làm đủ mọi ngành nghề, từ làm mướn đến bán bánh mì, bán nước đá. Vì không có điều kiện học hành nên tôi vào đời mưu sinh bằng công việc tay chân nặng nhọc. Muốn các con sau này không phải chịu khổ như mình nên hàng ngày tôi đều dạy bảo để chúng hiểu được giá trị của sự học. Rất may là 4 đứa đều rất ham học, tôi và vợ tự nhủ phải làm việc nhiều hơn để tích lũy cho con.

Hiện nay, các con của tôi đều đã lớn và có sự nghiệp riêng, tôi rất tự hào về điều này. Quan trọng hơn, tất cả đều tốt nghiệp với tấm bằng đại học trong tay. Hai con trai lớn hiện đã làm chủ doanh nghiệp, 2 đứa nhỏ là bác sĩ, làm việc ổn định tại các bệnh viện ngoài tỉnh. Tôi càng vui hơn khi chính quyền địa phương công nhận là “GĐ hiếu học”. Đây là động lực để tôi phấn đấu nuôi dạy thế hệ con cháu của mình nên người”- chú Trường chia sẻ.

Không chỉ quan tâm xây dựng GĐ hiếu học, dòng họ hiếu học, đầu tháng 6-2018, UBND thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) đã ra mắt Hội đồng quản lý quỹ “KHKT”, với số vốn vận động từ các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp và cựu học sinh thành đạt trên 1,1 tỷ đồng. Là địa bàn trung tâm của huyện Thoại Sơn, thị trấn Núi Sập có 5 ấp, với 5.113 hộ, dân số 19.477 người. Tổng số học sinh đang theo học ở các trường trên 3.582 em, trong đó có gần 400 học sinh nghèo, cận nghèo cần được giúp đỡ.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Núi Sập Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng: “Trong quá trình giúp đỡ học sinh, sinh viên khó khăn thời gian qua chỉ có thể đáp ứng nhu cầu cho từng năm học, chưa có nguồn quỹ ổn định, thường xuyên để khen thưởng, động viên các em cũng như khích lệ những giáo viên dạy giỏi.

Qua sự đóng góp đầu tiên theo tâm nguyện cụ bà Trần Thị Phái (ngụ xã Vĩnh Thành, Châu Thành) với số tiền 100 triệu đồng nhằm giúp đỡ, khuyến khích học sinh nghèo khó học tập, chúng tôi đã thành lập Hội KHKT thị trấn Núi Sập. Bằng hình thức tuyên truyền, vận động các cơ quan, công ty, doanh nghiệp, chức sắc... đến nay, nguồn quỹ đã được trên 1,1 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quý báu và là sự động viên tinh thần quan trọng giúp cho quỹ KHKT thị trấn vững vàng trong hành trình nâng bước tri thức Việt”.

Theo đó, nguồn quỹ sẽ được gửi tại tổ chức tín dụng, hưởng lãi suất theo quy định. Số tiền quỹ được duy trì và phát triển hàng năm, không nhằm mục đích lợi nhuận. Mọi lợi ích tài chính phát sinh từ nguồn quỹ đều được bổ sung, phát triển làm tăng nguồn tài chính của quỹ.

Hội đồng quản lý quỹ và Ban quản lý quỹ sử dụng tiền lãi hàng năm thực hiện mục tiêu KHKT. Đó là động lực giúp các em học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh nghèo khó phấn đấu vươn lên trong học tập hay các phong trào thi đua. Quỹ còn nhằm tôn vinh cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên có thành tích tốt, có sản phẩm kinh nghiệm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong dạy học.

Hiện, Thoại Sơn đã ra mắt 3 nguồn quỹ: quỹ KHKT thị trấn Núi Sập, quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại và quỹ KHKT Trường THCS Định Mỹ. Bên cạnh đó, UBND huyện Thoại Sơn đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch vận động và thành lập quỹ KHKT. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, tất cả 17 xã, thị trấn ở Thoại Sơn đều thành lập quỹ KHKT nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong giảng dạy và học tập.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích