Tầm quan trọng của công tác tham vấn tâm lý học đường cho học sinh trung học phổ thông

04/08/2021 - 10:41

 - Qua các nghiên cứu gần đây, tình trạng học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thật sự là vấn đề xã hội cần quan tâm. Theo kết quả nghiên cứu, gần đây, vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh các trường trung học sơ sở ở địa bàn TP. Long Xuyên cho thấy, có 16,14% học sinh có nguy cơ trầm cảm và 16,58% ở mức độ lo âu….

Theo thạc sĩ Trần Thị Huyền, Phó Trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục- Trường Đại học An Giang, trong độ tuổi trung học phổ thông, học sinh sẽ hình thành và phát triển nhân cách mạnh mẽ. Ở giai đoạn này, các em có nhiều lo âu, căng thẳng và thậm chí là các xung đột bên trong; quá trình đó diễn ra không hoàn toàn êm ả và phẳng lặng có nhiều thay đổi trong tâm lý của mỗi em. Do đó, khi gặp những căng thẳng về tâm lý nếu không được được tham vấn, giải tỏa kịp thời, thì những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và hoạt động học tập sẽ giảm đi rõ rệt. Các em có thể bị stress, lo âu, trầm cảm hoặc có những hành vi lệch chuẩn.

Tại Hội thảo quốc gia về “Sức khỏe tâm thần trong trường học” do Quỹ Tài năng trẻ Tâm lý học - Giáo dục học (Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cách đây không lâu, các chuyên gia tâm lý sức khỏe tâm thần còn cảnh báo, tình trạng ngày càng sa sút của học sinh, trong đó tâm lý lo sợ không hoàn thành bài vở đã và đang là nỗi ám ảnh các học sinh trung học phổ thông, nhất là các học sinh lớp 12. Việc học tập đã khiến các em bị căng thẳng dẫn đến 13,6% học sinh cảm thấy ăn không ngon, 17,6% chỉ muốn uống nước hoặc sữa và gần 20% thường xuyên bỏ bữa. Thậm chí, một số em sợ làm bài không tốt, sợ gia đình thất vọng và khi nghĩ đến những điều đó tâm trạng các em rất “chán chường” dẫn đến hành vi sai lệch…

“Dưới góc độ tâm lý giáo dục, học sinh phổ thông còn chưa nhận thức được đầy đủ về hậu quả của việc mình làm đối với người khác. Mặt khác, các em cũng chính là nạn nhân của việc thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm trong việc giáo dưỡng của gia đình, nhà trường và hệ quả của những tác hại của mạng xã hội có nội dung không lành mạnh… Do đó, nhu cầu hỗ trợ tâm lý của học sinh ở trường học hiện nay là rất cần thiết, bởi thực tế cho thấy, từng lúc, từng nơi, việc tham vấn tâm lý học đường, các hoạt động hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh khi đối diện với khủng hoảng, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, cũng như có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách chưa được quan tâm đúng mức.…”- thạc sĩ Huyền cho biết.

Theo thạc sĩ Trần Thị Huyền, để khắc phục thực trạng này, các trường học cần nghiên cứu để đưa chương trình tham vấn học đường vào trong những hoạt động của nhà trường, quy định về sự phối hợp và những vấn đề liên quan giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh với nhà tham vấn tâm lý. Bên cạnh đó, cũng cần thiết giới thiệu cho giáo viên, phụ huynh về sự cần thiết của nhà tham vấn để khi học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thì có thể hướng dẫn, giúp đỡ cụ thể.

Cùng với đó, tiến hành thiết lập hệ thống chuẩn đoán tâm lý cho tất cả các học sinh phải được triển khai một cách kỹ càng khi các em bắt đầu nhập học vì kết quả chuẩn đoán độ “hung tính” của từng học sinh sẽ giúp cho công tác quản lý học sinh sẽ hiệu quả hơn. Từ kết quả chuẩn đoán này có thể xây dựng các chương trình can thiệp cá nhân, như: giáo dục nhận thức, giúp trẻ phát triển, cải thiện kỹ năng giải quyết tình huống ứng xử và kiểm soát cảm xúc cá nhân và giảng dạy kỹ năng sống, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá.

Đồng thời, những nội quy do nhà trường đưa ra cũng cần rõ ràng, thực tế hơn, xử phạt nghiêm, thỏa đáng và công bằng đối với những hành vi bạo lực diễn ra tại trường học. Trong các trường hợp xảy ra xung đột, cần khẩn trương vào cuộc, tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm vụ việc xảy ra, không bưng bít thông tin, không kéo dài, làm cho sự việc thêm phức tạp và mâu thuẫn hơn.

Đặc biệt, đối với gia đình - yếu tố rất quan trọng trong việc định hướng con cái có một nếp sống văn minh, mỗi phụ huynh phải thực sự là tấm gương tốt cho con em mình, không sử dụng hành vi bạo lực, dùng lời nói thô tục trước mặt con, cũng như có các hành vi, lời nói công nhận thành quả của con, hướng dẫn và cùng con phát triển và trải nghiệm cuộc sống…

KIM NGÂN

 

Liên kết hữu ích