Mùa Đại lễ Vu lan, chúng tôi đến thăm các cụ tại Trung tâm giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên, một không khí tĩnh lặng bao trùm khắp nơi. Ở đây, cuộc sống chậm chạp trôi đi bởi đa phần các cụ đều là người già yếu, đơn thân. Cũng có trường hợp có con cái đủ đầy như bao người nhưng lại bị chối bỏ, phải nương nhờ trung tâm ở tuổi xế chiều, ốm đau triền miên. Với các cụ, sự cô đơn chính là điểm chung nhất và số phận đã đẩy đưa các cụ về chung 1 mái nhà, thân thiết tự lúc nào cũng chẳng hay.
Ngày Vu Lan, tôi đến thăm các cụ mừng lắm, cứ bảo ngồi cạnh và trò chuyện. Có cụ còn bảo: “Thấy bây, tao nhớ cháu ngoại của tao quá!”. Câu chuyện đến thăm các cụ hẳn sẽ vui hơn khi tôi không nhắc đến ngày Vu Lan báo hiếu. Nhiều cụ nghe đến cụm từ ấy lại lặng lẽ đưa mắt nhìn xa xăm, có người lại chỉ chực rơi nước mắt trong vô vàn niềm thương và nỗi nhớ.
Mỗi người mẹ đang nương nhờ tại trung tâm đều chung nỗi nhớ người thân, con cái
Chọn cho mình góc ngồi khá tĩnh lặng trong cái ráng chiều đỏ rực, cụ Phạm Thị Thuận (78 tuổi) bùi ngùi kể về cuộc đời mình: “Trước đây, tôi ở phường Đông Xuyên. Thuở xuân thời, tôi cũng có một gia đình êm ấm như bao người. Chồng tôi là người chịu thương, chịu khó, ông rất yêu thương vợ, con. Nhưng số phận không may ập đến khi chồng tôi bạo bệnh và qua đời. Từ ngày đó, tôi và đứa con gái nương tựa nhau sống.
Qua 2 lần bị tai biến mạch máu não, sức khỏe tôi ngày càng yếu dần. Rồi không chịu nổi cảnh nghèo khó, con tôi cũng bỏ đi biệt xứ, bỏ luôn người mẹ này. Để có tiền mưu sinh, tôi phải đi bán vé số. Đến khi “sức tàn, lực kiệt” mới xin vào đây nương náu”.
Nếu vài phút trước, cụ Thuận nở nụ cười ấm áp với tôi bao nhiêu thì khi nhắc về con, cụ lại giàn giụa nước mắt bấy nhiêu. Càng chạnh lòng hơn khi biết được cụ Thuận vẫn thường xuyên xin phép ra ngoài, lân la hỏi thăm bà con lối xóm trước đây về cuộc sống của con mình bây giờ thế nào.
Thế mới thấy, câu nói “nước mắt chảy xuôi chứ không chảy ngược bao giờ” của ông bà ta tự bao đời, đề cao tình cảm thiêng liêng của các bậc sinh thành luôn đúng. “Con cụ bỏ đi bao lâu rồi, có lần nào về hay điện thoại hỏi thăm mẹ không?”- tôi hỏi.
Nắm tay tôi giữa 2 hàng nước mắt, cụ Thuận nghẹn ngào: “Nó bỏ tôi đi lâu lắm rồi, không 1 lần điện hỏi thăm nói chi đến về gặp mặt. Nhưng làm mẹ mà, bỏ con sao đành. Để vơi đi nỗi nhớ con, tôi thường lang thang về nơi ở xưa để tìm lại ký ức đẹp về con.
Hỏi thăm bà con gần đấy, người ta nói nó lấy chồng và có con nơi xứ lạ quê người rồi. Nghe đâu, cuộc sống bây giờ cũng khó khăn lắm. Biết tin con như vậy, tôi càng đau lòng. Mỗi độ Vu Lan, tôi đều trông con gái về thăm mà vẫn “biệt vô âm tín”!”.
Cụ Thuận (bìa trái) chỉ mong gặp được con trong ngày Vu Lan
Vậy là, khoác lên mình bộ đồ lam sư thầy tặng, cụ Thuận ngồi lặng lẽ ở góc nhỏ, mắt hướng về cổng ra vào để chờ đợi hy vọng nhỏ nhoi rằng, ngày nào đó, con mình sẽ về thăm. 13 năm qua tại trung tâm này, cụ Thuận luôn ngập tràn hy vọng.
Càng đi sâu vào hỏi thăm các cụ, tôi chợt nhận ra rằng, 2 chữ “báo hiếu” mẹ mùa Vu Lan là điều gì đó rất xa vời với các cụ. Bởi, không bị con cái ruồng bỏ thì các cụ đa phần đều là những người sống đơn thân.
Ở tuổi xế chiều, các cụ vẫn đau đáu trông chờ 1 điều gì đó, nó vô hình nhưng rất đỗi thiêng liêng, đó là... tình thân. Có cụ khi tôi hỏi đến gia đình thì chỉ đỏ hoe mắt và ra vẻ né tránh. Có lẽ, với các cụ ấy, quá khứ là điều gì đó quá đau đớn mà ngay cả bản thân họ cũng không dám nhắc lại.
Chia tay các cụ ra về mà lòng tôi cứ bồi hồi, tâm trạng mang bao niềm cảm xúc. Hy vọng tình bạn tốt đẹp đang xây dựng tại ngôi nhà chung ấy đủ lớn để các cụ quên đi nỗi nhớ thương mang tên “tình thân”!
Theo Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên, vào dịp Vu Lan, trung tâm tổ chức làm lễ giỗ cho các cụ đã mất. Ngoài ra, để các cụ vơi đi nỗi buồn, đỡ nhớ con cháu, trung tâm tổ chức một số hoạt động văn hóa - văn nghệ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN