Theo đó, một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là phải bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, ổn định sản xuất cũng như việc chủ động bảo vệ các công trình, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH). Khi xảy ra thiên tai, các địa phương, đơn vị dựa vào kế hoạch đã xây dựng, triển khai khắc phục nhanh hậu quả để đảm bảo các hoạt động KTXH diễn ra bình thường.
“Mục tiêu xây dựng kế hoạch là để xác định các giải pháp cần thực hiện ở giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra. Các địa phương, đơn vị phải đánh giá được rủi ro, thiên tai trên địa bàn để khi có thiên tai, triển khai có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” cùng các nguyên tắc trong ứng phó, khắc phục khẩn trương những hậu quả…” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Võ Thị Loan chia sẻ.
Lãnh đạo TX. Tân Châu khảo sát thực địa xây dựng nông thôn mới và phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn
TX. Tân Châu là vùng đất đầu nguồn, biên giới, hàng năm nơi này thường xảy ra các loại thiên tai, như: Sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch; mưa giông, lốc, sét. Tuy là đô thị loại III, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, vì vậy năm nào có mưa giông lớn, lúa và hoa màu thường bị ngã đổ, gây thiệt hại rất lớn. Ngoài trồng lúa, nông dân trên địa bàn còn tổ chức nuôi cá lồng bè trên sông, kênh rạch; trồng cây ăn trái, như: Xoài, bưởi, mít, sầu riêng...
Đây là những loại cây có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu. Vì vậy hàng năm, bước vào mùa mưa bão, thị xã luôn đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân nói riêng, người dân trên địa bàn nói chung nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, cây trồng, vật nuôi, tránh để thiệt hại do thiên tai gây ra.
TX. Tân Châu khuyến cáo nông dân gieo sạ lúa đúng lịch thời vụ để tránh thiệt hại do mưa bão
“Gia đình tôi đã có 20 năm nuôi bè trên sông Kênh Xáng. Song, cái khó của đoạn sông này, thường xuyên bị sạt lở đất, vì vậy khi bước vào mùa mưa bão, vợ chồng tôi chủ động theo dõi tình hình thời tiết, neo đậu bè và tránh trú ở những nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại do mưa bão, sạt lở đất gây ra…” - bà Trần Thị Lành (xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Ở TX. Tân Châu những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão không chỉ có ngành chuyên môn thực hiện, mà huy động được toàn hệ thống chính trị tham gia. Ngoài xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh, từ đó góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, cơ quan ban, ngành và đoàn thể. Khi có thiên tai xảy ra, phương châm “4 tại chỗ” được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Đối với các hộ dân có nhà bị tốc mái hay sạt lở, Đảng bộ, chính quyền địa phương khẩn trương xuống địa bàn, tìm hiểu tình hình, thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân, “không để cho dân đói, không để dân rét” trong bất cứ tình huống nào.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trước mùa mưa bão
Còn nhớ, cơn mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét vào chiều ngày 23/7/2019 trên địa bàn TX. Tân Châu đã làm 604 căn nhà bị sập và tốc mái. Mưa giông cũng làm gần 1.200ha lúa và hoa màu bị đổ ngã, 1 bè cá bị chìm và nhiều công trình bị hư hỏng. Khi thiên tai xảy ra, ngay trong mưa giông, chính quyền địa phương ở các phường, xã kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các lực lượng quân sự, công an, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập, tốc mái, nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
“Gia đình tôi vô cùng biết ơn chính quyền địa phương đã có mặt kịp thời, chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ khắc phục nhanh những khó khăn; đồng thời còn trợ giúp tiền, gạo và các vật dụng cần thiết để gia đình sớm ổn định cuộc sống. Chúng tôi không bao giờ quên những hình ảnh tốt đẹp đó”- bà Lê Thị Mai (phường Long Sơn, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Khuyến cáo các chủ bè nuôi cá neo buộc bè cẩn thận, tránh thiệt hại do mưa bão gây ra
Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu, Phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự TX. Tân Châu Đặng Văn Nê cho biết, trong mùa mưa bão năm nay, ban chỉ huy yêu cầu các địa phương dựa trên kế hoạch của thị xã, các ngành, đơn vị, địa phương xây dựng riêng một kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế. Khi có thiên tai xảy ra thì phải tổ chức nhanh việc khắc phục hậu quả và tăng cường phối hợp tìm kiếm cứu nạn; có phương án di dời, sơ tán dân cư trong trường hợp khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm…
MINH HIỂN