Du khách đến làng Chăm sẽ được trải nghiệm cách quay tơ, dệt vải của người Chăm
Độc đáo
Mô hình “DL văn hóa cộng đồng làng Chăm” chính thức hoạt động với việc ra mắt “Tổ hợp tác DL văn hóa cộng đồng làng Chăm Châu Phong”. Khi mô hình được đưa vào khai thác, người dân sống tại xã Châu Phong, các địa phương lân cận, như: Long An, Lê Chánh, Phú Vĩnh, Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương sẽ trở thành những người trực tiếp cung cấp dịch vụ, sản phẩm DL. Bà con trực tiếp chia sẻ với du khách nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Tân Châu quê lụa, đồng thời đẩy mạnh bảo vệ môi trường sinh thái ở cộng đồng. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, tham quan thánh đường Hồi giáo, tìm hiểu phong tục, tập quán; các lễ hội và thưởng thức ẩm thực truyền thống như món cơm nị - cà púa; pài pa ghênh (canh thính); tung lò mò; tham gia các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm; nghe đọc kinh Ko-ran; thưởng thức các giai điệu trống Rapana cùng nhiều loại hình văn hóa độc đáo khác.
Ông Mô Hăm Mách, Tổ trưởng Tổ hợp tác “DL văn hóa cộng đồng làng Chăm” cho biết, tổ có 12 thành viên, mỗi người phụ trách một phần việc phục vụ du khách. Với ông, ngoài việc điều phối chung, gia đình ông còn đưa cơ sở dệt thổ cẩm của gia đình vào phục vụ du khách tham quan. Còn hộ ông Vách Gia thì chuyên lo chế biến món cà ri bò; hộ bà Ro Fi Ah làm bánh bò nướng; ông Sa Hốt Mamid (phó giáo cả) thì chịu trách nhiệm thuyết minh các phong tục, tập quán, nghi lễ tôn giáo khi du khách đến tham quan thánh đường; hộ ông Rô Mal phụ trách Homestay; ông Châu Ka Đưa phụ trách đội trống Rapana… Tất cả hợp lại để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm DL.
Chuẩn bị
TX. Tân Châu tập trung phát triển mô hình “DL văn hóa cộng đồng làng Chăm” nhằm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về phát triển DL giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Sản phẩm DL mà nghị quyết đề ra là phát triển mô hình “DL văn hóa cộng đồng Làng Chăm”, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động: Lễ cúng Sơn Thần của Phù Sơn Tự (xã Tân Thạnh); khai thác lợi thế sông nước, cồn bãi thu hút du khách thông qua các hình thức trải nghiệm như gieo trồng hạt giống, đánh bắt cá, thu hoạch các sản phẩm hoa màu…
Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin TX. Tân Châu Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ, để ra mắt Tổ hợp tác “DL văn hóa cộng đồng làng Chăm”, ngay từ tháng 10/2023, phòng đã ban hành kế hoạch và xây dựng điểm DL văn hóa cộng đồng làng Chăm Châu Phong. Phòng đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện 10 phần việc quan trọng như củng cố, trang bị các dụng cụ phục vụ trưng bày (khung dệt vải truyền thống, trang phục cô dâu, chú rể người Chăm); tổ chức hoạt động Homestay trong ngôi nhà cổ của bà con dân tộc Chăm; xây dựng các sản phẩm dịch vụ đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định…
ThS. Nguyễn Thuận Thảo (giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) nhận định, việc TX. Tân Châu triển khai mô hình “DL văn hóa cộng đồng làng Chăm” sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Theo đó, người dân là “chủ thể” tham gia phát triển DL, cung ứng các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động, vận chuyển, quản lý và bảo tồn văn hóa, cảnh quan, môi trường. Ngoài ra, việc tập trung phát triển “DL văn hóa cộng đồng làng Chăm” còn giúp TX. Tân Châu thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII của thị xã đề ra. Trong đó, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội; lấy con người, cộng đồng làm trung tâm cho sự phát triển, từng bước đưa DL trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế địa phương...
Trung tuần tháng 12/2023, “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” và “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong” được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản này đã trở thành sản phẩm DL độc đáo mà chúng ta cần khai thác. |
MINH HIỂN