Tân Châu tập trung tái cơ cấu sản xuất

13/11/2023 - 19:09

 - Kết quả bước đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp tại thị xã vùng biên là tăng trưởng của ngành ổn định, an ninh lương thực đảm bảo. Trong đó, cơ cấu sản xuất chuyển đổi tích cực, chất lượng và giá trị nông sản xuất khẩu tăng, hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn chỉnh; kinh tế nông thôn phát triển bền vững, thu nhập cư dân nông thôn tăng đáng kể…

Trồng cây chủ lực

Thị xã tập trung cơ cấu lại sản xuất trên địa bàn theo hướng đưa nông nghiệp phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu, quy hoạch từng vùng phù hợp với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tập quán canh tác. Trong sản xuất, quy hoạch vụ mùa từ "3 năm, 8 vụ" còn "2 năm, 5 vụ". Luân phiên xả lũ ở những vùng đê bao để đưa phù sa bồi đắp đồng ruộng. Nhờ đó, lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng hàng năm giảm đáng kể, lợi nhuận tăng nhiều hơn.

“Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi xác định cây trồng chủ lực trên địa bàn là lúa, cây ăn trái, rau màu, để từ đó vận động nông dân sản xuất theo hướng tập trung, có thị trường thì mới tổ chức sản xuất, tránh tình trạng sản xuất tự phát. Vận động doanh nghiệp (DN), nông dân liên kết trong tiêu thụ để sản phẩm làm ra có thị trường ổn định” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Võ Thị Loan chia sẻ.

“Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Đây là 2 yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Trước đây, chúng tôi chạy theo sản lượng, năng suất, thì nay chuyển sang tập trung cho chất lượng, hiệu quả. Trồng cây gì, nuôi còn gì, chúng tôi đặt câu hỏi bán cho ai, bán ở đâu. Khi những vấn đề đó có câu trả lời, chúng tôi mới sản xuất…” - ông Nguyễn Văn Vẹn (nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi xã Tân An) chia sẻ.

Ngoài diện tích trồng lúa mỗi vụ 12.500ha, còn có 1.400ha trồng cây ăn trái. Thị xã đang hướng đến nền nông nghiệp đa sản phẩm, đa giá trị. Đối với đất lúa, trong số 35 loại giống phục vụ xuất khẩu, những vụ gần đây nông dân tập trung trồng các giống theo yêu cầu của DN, như: OM 5451, Đài Thơm 8, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jacmine 85…

“Hiện nay, giống OM 5451 được DN thu mua 8.200 đồng/kg. Với quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm” cộng với thời tiết thuận lợi, xuất khẩu gạo được đẩy mạnh, mỗi héc-ta lúa của vụ thu đông hiện nay, nông dân lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ha, chúng tôi rất phấn khởi” - bà Nguyễn Thị Lài (nông dân xã Phú Vĩnh) phấn khởi.

Đẩy mạnh liên kết

Đối với cây ăn trái, ngoài các loại cây có múi (bưởi da xanh, cam sành), nông dân vùng bờ bao Phú Lộc - Vĩnh Xương còn trồng xoài cát, xoài keo xuất khẩu. Nếu bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, cam sành lãi 370 triệu đồng/ha/năm thì xoài xuất khẩu trên 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so trồng lúa. Từ đó, việc tổ chức lại sản xuất trên địa bàn được nông dân ủng hộ rất cao.

“Xoài trồng 5 năm tuổi, mỗi vụ cho khoảng 4 tấn trái/công, với 40 tấn/ha. Giá bán trung bình 7.500 đồng/kg, lãi 30 triệu đồng/vụ/ha. Mỗi năm xử lý ra trái 2 lần, lợi nhuận 60 triệu đồng/ha/năm…” - ông Lê Văn Tám (ngụ xã Vĩnh Xương) chia sẻ.

Khuyến khích nông dân cùng DN liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đã có nhiều DN đến TX. Tân Châu để làm ăn cùng nhà nông. Nếu lĩnh vực trồng lúa có Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Vĩnh Phát, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương… thì đối với cây xoài, ngoài Công ty Cát Tường, Hoàng Phan, Mộng Tuyền… còn có rất nhiều công ty khác đến hợp tác thu mua sản phẩm.

Từ đây, trái xoài của vùng biên giới Vĩnh Xương - Phú Lộc được DN bán ở các nước. Ngoài việc xuất khẩu xoài tươi sang thị trường Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), các sản phẩm từ trái xoài, như: Nước ép xoài, xoài sấy dẻo, mứt xoài… đã được bán ở thị trường các nước phát triển.

DN có được vùng nguyên liệu xoài 650ha phục vụ cho xuất khẩu. Nông dân tập trung thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật mà DN đưa ra, vì vậy các sản phẩm nông nghiệp nói chung, trái xoài nói riêng có thị trường tiêu thụ ổn định. “Nhiều năm qua, nhờ chính quyền tập trung cho công tác thủy lợi, các trạm bơm tưới, tiêu úng đã được lắp đặt hoàn chỉnh, nhờ đó nông dân rất chủ động trong sản xuất” - ông Huỳnh Văn Hiệp (Giám đốc HTX Trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc) chia sẻ.

TX. Tân Châu tập trung tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là tiền đề quan trọng để đưa TX. Tân Châu trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

“TX. Tân Châu sẽ từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa để tăng hiệu quả sản xuất. Khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn thị trường quốc tế, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính trách nhiệm, minh bạch và chất lượng sản phẩm… Đây là những việc làm cần thiết, giúp nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững”- Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Võ Thị Loan chia sẻ.

 

MINH HIỂN