Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex Hậu Giang.(Ảnh QUỐC TUẤN)
Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Lê Hằng cho biết: Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng 14% trong tháng 6/2024, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này nửa đầu năm 2024 đạt 733 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng sản phẩm cá tra, tính đến ngày 15/6/2024, lũy kế xuất khẩu sang thị trường này đạt 146 triệu USD, tăng 18%. Đối với sản phẩm tôm, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang Mỹ đạt 299 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này một phần do kinh tế Mỹ năm 2024 có những tín hiệu lạc quan như lạm phát đã giảm nhanh từ 9% xuống còn 3%; Mỹ sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, do đó các nhà xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội tốt.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết: Năm 2024, công ty chủ trương sẽ bán vào thị trường Mỹ 20% sản lượng. Theo đó, sẽ hoàn thiện và đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo Công nghệ sinh học MPBiO. Công nghệ này sử dụng toàn bộ vi sinh đối kháng để ức chế mầm bệnh, dùng vi sinh để tăng cường sức khỏe miễn dịch của tôm và dùng vi sinh để xử lý nước trong ao, từ đó tạo ra các sản phẩm tôm chất lượng cao, giới thiệu nhiều hơn tới khách hàng tại Mỹ. Trong khi đó, Công ty cổ phần Nam Việt cho rằng, đối với thị trường Mỹ, tiến độ phát triển tương đối khả quan nhờ hợp tác thành công với các nhà phân phối thủy sản lớn và kết nối lại với các khách hàng cũ.
Ngoài thủy sản, hạt điều cũng đang là mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng tại Mỹ. Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, trong 4 tháng đầu năm 2024, Mỹ nhập khẩu hơn 47,73 nghìn tấn hạt điều, trị giá 252,96 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 9,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 41,98 nghìn tấn, trị giá 220,92 triệu USD, tăng 11,5% về lượng. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 86,22% trong 4 tháng đầu năm 2023 lên 87,95% trong 4 tháng đầu năm 2024.
Cũng trong 4 tháng đầu năm 2024, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam 2,2 nghìn tấn chè, trị giá 3,2 triệu USD, tăng 103,1% về lượng và tăng 83,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam hiện là thị trường cung cấp chè lớn thứ 4 cho Mỹ và đạt tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên mới chỉ cung cấp 5,7% trong tổng nhập khẩu chè của thị trường này. Theo thống kê, khoảng 86% tổng lượng chè được tiêu thụ tại Mỹ trong năm 2023 là chè đen cho nên Việt Nam còn nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Ngoài ra, theo Hiệp hội cà-phê Mỹ, tiêu thụ cà-phê đặc sản tại Mỹ đang có xu hướng tăng do nhu cầu của người tiêu dùng trẻ tăng. Có 45% số người tham gia phỏng vấn đã sử dụng cà-phê đặc sản. Đây là con số cao nhất kể từ trước đại dịch Covid-19 và cao hơn 4% so với năm 2023. Do đó các doanh nghiệp cà-phê Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần đặc biệt lưu ý đến phân khúc thị trường này. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cà-phê của Việt Nam vào Mỹ đạt 169,4 triệu USD, đạt 57,9% kim ngạch 2023 với tổng khối lượng 50 nghìn tấn.
Mặc dù hầu hết các ngành hàng nông, thủy sản Việt Nam đều có sự tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tuy nhiên cũng còn một số vướng mắc cần sớm tháo gỡ để gia tăng hơn nữa kim ngạch trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, như với mặt hàng trái cây, ông Trần Minh Thắng - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, Mỹ thông tin: Hiện các mặt hàng trái cây từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều phải tiến hành xử lý chiếu xạ. Tuy nhiên, Việt Nam có 2 trung tâm chiếu xạ thì đều nằm ở khu vực miền nam cho nên trái cây miền bắc phải mất thời gian vận chuyển để thực hiện chiếu xạ rồi mới xuất sang Mỹ, trong đó có trái vải rất được ưa chuộng. Điều này một mặt làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; mặt khác còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi chậm đến tay khách hàng.
Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản sang Mỹ trong giai đoạn hiện nay còn phải đối mặt với thực trạng cước vận tải không ngừng tăng cao. Nguồn tin từ VASEP cho biết, tính chung tại khu vực châu Á, giá cước một container đông lạnh 40 feet (dài 12m, rộng 2,4m) vận chuyển thủy sản tới Bắc Mỹ đang tăng gấp đôi, gấp ba kể từ đầu năm, lên khoảng 9.000-10.000 USD. Do người tiêu dùng có thể sẽ phải “cõng” số tiền vận chuyển tăng cao này cho nên nhu cầu tiêu dùng sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam ■
Theo THÙY ANH (Báo Nhân Dân)