Tản mạn đầu năm

01/01/2023 - 15:12

 - Tờ lịch cuối cùng của năm 2022 đã hoàn thành “nhiệm vụ”, nhường chỗ cho năm 2023. Ánh nắng dịu nhẹ, len lỏi trong cơn gió se lạnh tháng Chạp. Trời sắp Tết, hay lòng mình đang Tết?

Những dòng người nương theo tiết trời lành lạnh, trải dài trên Quốc lộ 91 (tỉnh An Giang) và các ngả đường. Mọi người về quê, đi chơi, đi “ăn Tết tây”. Mấy ngày nghỉ này như chặng dừng chân, để mọi người tạm quên công việc mà lo chuyện nhà, chuyện “Tết ta” kề cận.

Men theo đường quê Thoại Sơn là những đóa hoa bung sắc, góp thêm chút rực rỡ cho ngày đầu năm. Hoa chẳng quý lạ, nhưng tràn đầy tươi mới, sức sống mới ở nông thôn mới.

Để níu chân khách xa gần vào năm mới, nhiều địa phương tổ chức hoạt động thu hút, điển hình như Ngày hội bánh ở huyện Châu Phú. Sự kiện quy mô cấp huyện, nhưng tạo được điểm nhấn để mọi người tham quan, trải nghiệm, lưu giữ ký ức vui vẻ ngày Tết Dương lịch 2023.

70 tuổi, bà Năm (ngụ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) dành cả đời cho con, cháu. Mãi đến nay, bà mới thảnh thơi đi đây đi đó, thăm vườn hoa, ghé “check-in” địa điểm du lịch nổi tiếng. “Còn khỏe thì tranh thủ đi chơi cho biết, chứ tuổi ngày càng lớn, lẩn quẩn trong nhà hoài tôi thấy buồn chân quá” – bà Năm chia sẻ.

Năm mới, “xuất hành” cùng chủ đi chơi, chú chó nào cũng ngơ ngác với cảnh vật và đám đông xung quanh. Năm mới, khác hẳn ngày thường, cái gì cũng đẹp, cũng mới lạ với chúng!

Năm mới, còn hiện hữu trên gương mặt trẻ thơ, háo hức đi chơi, háo hức vui đùa. Trẻ nhỏ chưa hiểu được ý nghĩa của “năm mới”, nhưng chắc chắn chúng sẽ khắc ghi cảm xúc đặc biệt khi được tung tăng theo chân người lớn.

Tết Dương lịch đã tới, mở đường cho Tết Nguyên đán sắp về. Báo hiệu rõ ràng nhất là cảnh mua bán vật phẩm trang trí Tết, dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ khu chợ, con đường nào, dù ở thành thị hay nông thôn.

Nông dân trồng hoa Tết cũng đang chộn rộn chăm sóc nguồn thu nhập chính của mình, kiên nhẫn chờ từng nụ hoa, tán lá phát triển. Tết, với họ, vui nhiều hay ít, tất cả đều phụ thuộc vào những chậu hoa này.

Không phải ai cũng dư giả thời gian, tiền bạc và điều kiện để tận hưởng ngày đầu năm. Thay vào đó, họ chọn ra đồng, tiếp tục mưu sinh y hệt mọi ngày trong năm, như hai anh em ông Quý.

“Ngày thường, chúng tôi làm đủ nghề lao động chân tay. Tết, người ta đi chơi thì anh em tôi đi chài lưới bắt cá. Thêm được chút nào, hay chút đó” – ông Quý chia sẻ. Giữa những cú quăng chài, đôi khi họ chỉ được 1-2 con cá rô nhỏ cỡ mấy ngón tay, nhưng cũng xem như “chiến lợi phẩm” đáng nhớ ngày đầu năm.

Bà Chín (ngụ TP. Châu Đốc) đã vào độ tuổi U.70, nhưng vẫn còn nặng nợ với nghề bán trái cây. Bà không có khái niệm “nghỉ Tết tây” là gì, nhưng lại mong mọi người ăn Tết thật sung túc, để bà “ăn ké”. “Giờ này hàng hóa chưa sung đâu, phải chờ 26-27 tháng Chạp, tôi mới mua trái cây số lượng lớn về bán. Lớn tuổi rồi, nhiều lúc tôi muốn nghỉ ngơi, nhưng ở không chịu không nổi. Chỉ mong, năm mới sẽ mua may bán đắt, vậy thôi!”.

Ngày 1/1/2023, mới mùng 10 tháng Chạp, nhưng ông Năm Trạch (70 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) đã bắt ghế lặt lá mai. “Nụ mai nhỏ xíu hà, tôi phải tranh thủ lặt sớm để chúng nở kịp Tết. Mấy năm trước, mai nở vàng rực cây, toàn là loại mười mấy cánh, đẹp lắm!” – ông bày tỏ.

Như bao người dân khác, ông Năm chỉ mong mỏi một điều duy nhất: Đã từng trải qua tháng ngày vất vả, lao đao vì dịch bệnh, vì thiên tai, thì mới thấu hiểu bình yên quý giá thế nào. Ngày đầu năm, ông cầu cho gia đình sum họp, cho vui vẻ tràn về mái ấm, cho mọi chuyện “Thuận buồm xuôi gió”!

KHÁNH ĐĂNG