Tản mạn về mèo rừng Bảy Núi

27/01/2023 - 03:33

 - Là loài vật từng xuất hiện rất nhiều ở vùng Bảy Núi nhưng mèo rừng dần vắng bóng trên chốn non cao. Tuy nhiên, loài vật này vẫn ẩn chứa những câu chuyện đặc biệt về tập tính sinh tồn, tạo nên sự tò mò cho bất kỳ ai mỗi khi nhắc đến.

Chủng loài đa dạng

Là người định cư lâu năm trên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên), ông Trần Văn Hoàng khá am hiểu về các loài mèo rừng. Ông Hoàng cho biết: “Người ta hay gọi chung là mèo rừng, nhưng thực tế có đến mấy loài thuộc họ nhà mèo. Về tên gọi, đa số người dân hay nói đó là “chồn”, nhưng bản thân tui khi gặp chúng thấy giống mèo hơn. Những con tui đã gặp là mèo rừng, chồn cáo mèo, chồn mướp, cáo cọc, cáo sao, cáo dừa. Trong đó, chỉ có chồn cáo mèo là thỉnh thoảng còn gặp, trong khi các loài kia phải vô tận rừng sâu, khu vực có người định cư hầu như không thấy”.

Khi được hỏi về hình dáng của những loài này, ông Hoàng cho biết, loài chồn cáo mèo có hình dạng không khác mèo nhà bao nhiêu, nhưng sắc lông tương tự như loài báo. Chúng có kích cỡ cơ thể lớn gấp rưỡi mèo nhà và tính khí hoang dã, hung tợn. Riêng loài vật được gọi chính danh là mèo rừng có sắc lông thuần một màu, hoặc là đen mun hoặc là xám tro từ đầu tới đuôi, với khối lượng 4-5kg/con khi đã trưởng thành. Điểm chung của những loài này là leo trèo giỏi, tốc độ di chuyển nhanh trên những tán cây. Rất ít người có thể thấy loài này vào ban ngày, bởi chúng có tập tính săn đêm.

“Trong những loài vừa kể, chỉ có cáo cọc là to lớn, hung dữ nhất. Chỉ nghe tên gọi là biết tập tính của loài này như thế nào. Chúng có kích cỡ bằng chó nhà trưởng thành, sắc lông rằn ri như con chó vện. Đặc biệt, cáo cọc có chiếc mỏ khá dài nên nhiều người lầm tưởng là loài chó. Có lần, tui vô tình bắt gặp một con cáo cọc nằm ngủ trên tảng đá. Thoáng nhìn, cứ nghĩ là chó nhưng tới gần con cáo cọc đứng bật dậy, vụt vô bụi rậm chạy mất. Với kích thước to lớn, loài này có thể “đấu tay đôi” với chó nhà”- ông Hoàng kể tiếp.

“Ngày xưa, dân trên núi hay đặt bẫy mèo rừng. Bây giờ, đa số có việc làm ổn định nhờ phục vụ du lịch nên thu nhập khá. Bởi vậy, phần nhiều trong số họ đã “gác kiếm”. Hơn nữa, tui ít thấy mấy loài mèo rừng xuất hiện, chắc do con người đông quá khiến chúng sợ mà di cư vào tận rừng sâu. Giờ chỉ còn các loại sóc đỏ, sóc đất, sóc bay, nhen… là còn thấy người dân đặt bẫy”- ông Hoàng cho hay. 

Loài vật tinh khôn

 Từng là thợ săn các loài mèo rừng thuộc hàng cự phách, anh P. giờ đây đã bỏ nghề và chú tâm với công việc vận chuyển hành khách trong Khu du lịch núi Cấm. Tuy nhiên, kinh nghiệm của anh về loài vật này vẫn sống động như những thước phim tư liệu.

Trong trí nhớ của anh P., những chuyến đi đặt bẫy mèo rừng là hành trình gian nan, vất vả. Việc đầu tiên là phát hiện… phân mèo rừng. Với người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn là biết ngay đó là chồn cáo mèo, mèo rừng hay các loài khác. Việc xác định đó là loài nào sẽ quyết định kết quả bước đầu, bởi mỗi loài mèo rừng thích ăn mồi khác nhau. Điển hình như chồn cáo mèo sẽ thích ăn chuột, trong khi chồn mướp mê chuối chín hơn.

Điều anh P. ấn tượng nhất về các loài mèo rừng là khả năng đánh hơi người tuyệt vời của chúng. Nếu người đặt bẫy sơ ý, để dính một ít mồ hôi vào chiếc lồng là đợi cả tháng chẳng bắt được con nào. Bởi thế, anh P. sẽ cố gắng lau tay sạch sẽ khi đặt bẫy và thường đi vào lúc trời mát để hạn chế mồ hôi đổ ra.

Bây giờ, anh P. đã “giải nghệ” để sống với công việc có thu nhập ổn định hơn. Và anh từ chối truyền đạt lại những “bí quyết” đặt bẫy của mình cho người khác, bởi anh vẫn muốn nhìn thấy hình bóng của những loài mèo di chuyển trên tán cây rừng Bảy Núi. Anh P. chia sẻ: “Hồi trước, cuộc sống khó khăn quá nên mình đi bẫy. Giờ có công việc rồi thì cứ để chúng yên ổn ở rừng sâu!”.

Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP), các loài mèo rừng là động vật thuộc nhóm IB hoặc IIB. Tức là nghiêm cấm săn bắt, khai thác sử dụng vì mục đích thương mại; hoặc chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Do đó, người dân không săn bắt, kinh doanh mèo rừng nhằm bảo tồn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.


MINH QUÂN

 

Liên kết hữu ích