Theo Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh, quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ về đăng ký GDBĐ vẫn còn nhiều khó khăn, do hệ thống pháp luật giữa các ngành đất đai, tín dụng, công chứng, chứng thực còn nhiều chồng chéo, bất cập. Chính những bất cập này dễ phát sinh rủi ro, khó khăn trong xử lý TSBĐ…
Trước đây, trung bình mỗi năm có khoảng 57.000 lượt thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) với trị giá khoảng 8.600 tỷ đồng.
Điều này giúp tăng hiệu quả khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Đến nay, số lượng hồ sơ và trị giá thế chấp không ngừng tăng lên qua các năm, riêng năm 2017 có 98.744 hồ sơ đăng ký GDBĐ, với trị giá khoảng 12.000 tỷ đồng.
Những năm gần đây, vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) là vấn đề nóng, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Ngân hàng Nhà nước tìm giải pháp xử lý nợ xấu nói chung, trong đó có TSBĐ nói riêng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang: nợ xấu có TSBĐ hiện chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nợ của hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, để thực hiện quyền xử lý TSBĐ là không hề đơn giản, mất nhiều thời gian, chi phí, nhưng khi thực hiện xong thì kết quả đạt được không cao, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động các TCTD.
Hiện, các TCTD xử lý TSBĐ chủ yếu dựa vào các phương thức: ngân hàng và chủ sở hữu phối hợp xử lý TSBĐ, ngân hàng tự xử lý TSBĐ, xử lý TSBĐ thông qua khởi kiện - thi hành án…
Trong xử lý TSBĐ, bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như: chủ TSBĐ chết hoặc bỏ trốn, chưa có thái độ hợp tác, chưa tự nguyện thi hành án, cản trở từ phía người thân; việc kê biên TSBĐ để thi hành án mất rất nhiều thời gian do thủ tục đo đạc, hoặc khi đo đạc bị sai lệch giữa trên giấy chứng nhận QSDĐ với thực địa…
Ngoài ra, một số VPĐKĐĐ không đồng ý cho nhân viên TCTD thực hiện đăng ký GDBĐ thay khách hàng mà bắt buộc khách hàng phải trực tiếp đến đăng ký, nên dễ dẫn đến rủi ro như khách hàng giả mạo tài sản thế chấp, giả mạo chữ ký và con dấu hoặc giả mạo nội dung đăng ký… gây khó cho các TCTD trong việc đảm bảo an toàn tài sản thế chấp khi cho vay.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Trung cho rằng: hiện nay, một số văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật Đất đai (2013), Luật Nhà ở (2014), Bộ luật Dân sự (2015) tác động đến những quy định pháp luật về GDBĐ nói chung, cũng như biện pháp đăng ký bảo đảm nói riêng.
Đặc biệt, Bộ luật Dân sự (2015) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24-11-2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 có các nội dung mới, như: bổ sung biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quy định mới về hiệu lực đối kháng với người thứ 3…
Những tiếp cận mới của Bộ luật Dân sự (2015) tạo nền tảng pháp lý quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện BPGDBĐ.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về GDBĐ cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế dẫn đến vướng mắc khi triển khai đăng ký trong thực tế, cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Chính vì thế, cần thiết phải triển khai kịp thời các quy định pháp luật mới (trọng tâm là Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 của Chính phủ) về đăng ký BPGDBĐ đến toàn thể cán bộ, viên chức và Nhân dân trong tỉnh; tổ chức thực hiện đăng ký BPGDBĐ bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất phù hợp quy định pháp luật.
Theo đó, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang tăng cường phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, VPĐKĐĐ và các địa phương… tiếp tục tìm giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động GDBĐ trong thời gian tới.
Bàn giải pháp thực hiện giao dịch bảo đảm
Bài, ảnh: HỮU HUYNH