Tăng cường gắn kết, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

18/10/2024 - 07:01

 - Thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) có điều kiện thuận lợi sản xuất - kinh doanh. Hình thức tiếp cận cơ sở có nhiều đổi mới, tăng cường gắn kết, gần gũi, chia sẻ. Hội nghị đối thoại gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật tổ chức theo quý là một trong những hình thức mới được các cơ quan phối hợp triển khai, nhận được sự đồng tình của NLĐ và người sử dụng lao động.

Kết nối thiết thực

Khởi động lần đầu tiên tại xã Bình Hòa (huyện Châu Thành), buổi đối thoại do  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp tổ chức, có 90 công nhân lao động và đại diện của 20 DN trên địa bàn huyện, Khu Công nghiệp Bình Hòa tham gia. Đại biểu rất chăm chú theo dõi những thông tin được cung cấp tại hội nghị. Trong đó, có những điều luật mới liên quan đến việc làm, lao động, công đoàn… và đối chiếu thực tiễn ở nơi DN hoạt động. Công an tỉnh cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự, các thủ đoạn tội phạm, nhất là cảnh báo vụ việc lừa đảo mua bán người qua hình thức môi giới “việc nhẹ, lương cao”. Nội dung, hình ảnh, clip sinh động từ người thật, việc thật đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu.

Đặc biệt, ở hội nghị, các ngành chức năng đã dành thời gian để lắng nghe ý kiến của DN, đại diện NLĐ. Ông Nguyễn Trọng Quyền, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Cá Biển Hồ bày tỏ: “Trước đó, trong và ngoài khu vực công ty xảy ra trộm cắp, mất an ninh trật tự. Công an thị trấn An Châu và Công an huyện Châu Thành tham gia giải quyết các vụ việc rất nhanh chóng. Nhờ đó, NLĐ đến công ty yên tâm làm việc ổn định”. Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty Universal Apparel Lê Gia Phúc kiến nghị, công ty đang mở rộng quy mô sản xuất nên có nhu cầu tuyển dụng thêm 800 lao động. Tuy nhiên hiện nay, việc tuyển dụng lao động mới khá khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ các địa phương, ngành chức năng để sớm tuyển đủ số lượng.

Đối thoại giữa các ngành chức năng tỉnh với doanh nghiệp, người lao động

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly khẳng định, công tác lao động, việc làm, sản xuất - kinh doanh của DN trong nhiều năm qua luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm. Hàng năm, tỉnh đào tạo trên 20.000 lao động và giải quyết việc làm trên 30.000 lao động. 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh giải quyết cho trên 18.000 lao động có việc làm mới và đã tổ chức “Ngày hội việc làm” ở 10/11 huyện, thị xã, thành phố. Điều đáng mừng nữa, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp đã giảm so với cùng kỳ. Trong đó, lao động nhận trợ cấp thất nghiệp ngoài tỉnh trở về trên 10.000 người (chiếm 87% so cùng kỳ năm ngoái). Điều này cho thấy các DN đã phục hồi trở lại, NLĐ đã có việc làm khá hơn.

Gỡ khó khâu tuyển dụng

Qua tìm hiểu của các ngành chuyên môn, đa số các DN đã có đơn hàng trở lại, nhất là ngành dệt may, da giày. Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang Nguyễn Hồng Quang thông tin, sau dịch COVID-19 đến nay, sản xuất của các DN khởi sắc tốt, đơn hàng dồi dào nhưng tuyển dụng lao động gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh và các địa phương luôn muốn tạo ra quỹ đất sạch để nhà đầu tư đến chọn đầu tư, tạo việc làm cho NLĐ. Theo tiến độ, nếu các DN tuyển dụng đủ số lượng đến cuối năm, khu công nghiệp có thể tăng 20.000 lao động, sau năm 2025 tăng lên 25.000 lao động.

“Có một thực trạng là DN vừa tuyển được số lượng thì trong công ty cũng có khoảng chừng đó lao động nghỉ việc. Mong rằng, các nhà đầu tư cố gắng tạo ra môi trường làm việc trên cơ sở “giữ chân” NLĐ. Thông qua những lao động đang làm việc, mỗi người sẽ tiếp tục thông tin đến người quen, người thân, nhất là những lao động đi làm xa ngoài tỉnh tìm đến công ty. Chúng tôi không mong muốn nhìn thấy những NLĐ vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về cứ vội vã quay về rồi vội vã ra đi tìm việc ở nơi khác” - ông Nguyễn Hồng Quang chia sẻ.

Định kỳ hàng năm, ít nhất 2 - 3 lần, các ngành tỉnh tổ chức đến thăm các DN và nắm tình hình. Tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly nhắn nhủ: “Trong nhiều năm, chúng tôi thấy rằng các DN của tỉnh cần cân nhắc về chế độ tiền lương, thưởng Tết, kể cả chế độ ăn giữa ca để “giữ chân” NLĐ tốt hơn. Chúng tôi luôn lưu ý để DN có chính sách vừa sức với DN, vừa đảm bảo “giữ chân” NLĐ lâu dài, thu hút thêm lao động mới. Ngược lại, NLĐ phải xem xí nghiệp, nhà máy là “gia đình” của mình để cống hiến, làm việc, đóng góp sáng kiến, năng suất để đôi bên cùng phát triển”.

Trên địa bàn tỉnh, có 74.000 lao động có hợp đồng lao động trong tổng số 897.000 NLĐ. Như vậy, số lao động trong các DN không nhiều. Mặc dù lương thưởng dành cho NLĐ trong tỉnh chưa cao, song cũng tương xứng với thu nhập, điều kiện sống của người dân. Năm nay, tỉnh đã tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền về lao động, việc làm nhiều nhất trong các năm qua. Gắn với hoạt động này, các cơ quan chuyên môn đề nghị DN chủ động kết hợp để tiếp cận đến “người tìm việc” hiệu quả hơn. Cùng với đó, các sở, ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ thông tin để từ nay đến cuối năm, các DN sẽ tuyển đủ số lượng dự kiến 5.000 lao động.

Từ tháng 9/2024, định kỳ hàng quý, các cơ quan thống nhất tổ chức đến gặp gỡ với DN, NLĐ tại cơ sở để kịp thời lắng nghe ý kiến, tâm tư, khó khăn… từ các DN, NLĐ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, đảm bảo đồng hành cùng DN ổn định sản xuất - kinh doanh.

MỸ HẠNH