Tăng không ngừng, giá vàng SJC chạm 78 triệu đồng/lượng

25/12/2023 - 16:22

Giá vàng trong nước chiều nay 25/12 đã tăng mạnh, đạt ngưỡng 78 triệu đồng/lượng, xô đổ kỷ lục vừa lập sáng nay là 77,5 triệu đồng/lượng.

Lúc 14h30 ngày 25/12, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 76,8 - 78 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,2 - 1 triệu đồng/lượng (mua - bán) so với đầu giờ sáng nay. Còn so với mức đỉnh 77,5 triệu đồng vừa lập được trước đó không lâu, giá kim loại quý đã cao hơn 500.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 76,9 - 77,9 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với đầu giờ sáng nay.

Như vậy, giá vàng trong nước hôm nay đã thiết lập đỉnh lịch sử mới khi đạt ngưỡng 78 triệu đồng/lượng. Đây cũng là ngưỡng giá đắt nhất trong lịch sử.

Giá vàng lần đầu đạt ngưỡng 78 triệu đồng/lượng. (Ảnh chụp màn hình).

Những tháng cuối năm 2023 ghi nhận sự tăng tốc đáng kinh ngạc của giá vàng tại thị trường Việt Nam khi liên tiếp lật đổ các kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.

Từ cuối ngày 19/12, giá vàng đã liên tục gây bất ngờ khi xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. 

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12, giá vàng leo lên ngưỡng 74,9 triệu đồng/lượng, phá kỷ lục 74,5 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 29/11.

Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là giá vàng không dừng lại ở ngưỡng 74,9 triệu đồng/lượng được lâu. Ngay trong buổi sáng hôm sau (20/12), giá kim loại quý đã lập đỉnh mới khi leo lên ngưỡng 75,62 triệu đồng/lượng.

Những ngày sau đó, giá vàng liên tục lập ngưỡng cao kỷ lục mới. Cụ thể, ngày 21/12 giá vàng chạm ngưỡng 76 triệu đồng/lượng.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 22/12, chỉ trong vòng 3 tiếng, giá vàng đã lập 3 đỉnh mới là 77 triệu đồng/lượng; 77,3 và 77,4 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, mức đỉnh này chỉ giữ được đến đầu giờ chiều 22/12. Sau đó giá vàng bất ngờ đảo chiều, giảm liên tục. Chốt phiên 22/12, giá vàng bốc hơi 600.000 đồng/lượng về ngưỡng 76,8 triệu đồng/lượng.

Và đến hôm nay (25/12), dù giá vàng thế giới đứng im nhưng giá trong nước lại hồi phục mạnh, lấy lại mốc 77 triệu đồng, lập kỷ lục 77,5 triệu đồng chỉ trong buổi sáng và một lần nữa xô đổ kỷ lục để lên đỉnh mới 78 triệu đồng/lượng ngay đầu giờ chiều.

Giá vàng tuy đã lập kỷ lục mọi thời đại nhưng vẫn trong xu hướng tăng khiến nhiều người vẫn có tâm lý tích trữ. Các chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo về điều này.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, hiện nay giá vàng đang cao tột đỉnh, nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường. Tuy nhiên, theo ông Lâm, giá vàng rất thất thường, lên cao đấy nhưng cũng có thể rớt ngay. Vì vậy, việc mua vàng để dành lúc này là không nên, vì giá vàng thời điểm này đang quá cao, thậm chí chênh lệch rất nhiều so với giá thế giới.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, người dân không nên mua vàng tại thời điểm giá vàng biến động thất thường và giá quá cao”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường vàng luôn luôn bất ổn. Giá vàng tăng như thế không có nghĩa là sẽ tăng đều từ nay đến cuối năm. 

“Điều quan trọng là không bao giờ được phép vay tiền của người khác để mua vàng để dành. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra lời khuyên, thực tế, đầu tư vàng là hình thức đầu tư sinh lời dài hạn, đòi hỏi nhà đầu tư phải kiên nhẫn và kiên trì, không nóng vội bán ra khi vàng còn đang bão hòa hoặc chưa tăng giá trị. Chính vì thế, một khi đã xác định mua vàng, người dân nên sử dụng tiền nhàn rỗi của bản thân để tránh phải vay nợ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chi tiêu hàng tháng.

Ông Phong cũng cho rằng, mua vàng tiết kiệm được nhiều người Việt lựa chọn vì lợi nhuận và tính thanh khoản cao. Việc mua vàng để dành cũng giúp bảo vệ giá trị tài sản và giảm thiểu rủi ro so với việc đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, việc mua vàng để dành cũng có những điểm yếu. Giá vàng có thể biến động mạnh do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài như tình hình kinh tế, chính trị và dịch bệnh. Điều này làm cho việc mua vàng để dành cũng trở nên rủi ro.

Theo NGỌC VY (VTC News)