Tăng nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài 4 ngày là nguyện vọng tha thiết của công nhân

03/12/2023 - 19:53

Công đoàn viên, người lao động đề xuất nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ ngày 2-5/9) để tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.


Việc tăng ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh sẽ tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. (Ảnh: VIetnam+)

Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước. Theo đó, có 8 vấn đề lớn được lựa chọn đề xuất, trong đó đề xuất nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm, cụ thể là dịp nghỉ lễ Quốc khánh tăng lên 4 ngày thay vì 2 ngày như quy định hiện hành.

Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng việc điều chỉnh sẽ tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng và khẳng định đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

Trao đổi với báo chí sáng ngày 3/12, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết khi tham gia góp ý sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 công đã đã từng kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh.

Lý giải cho đề xuất này, ông Hiểu giải thích số ngày nghỉ chính thức của Việt Nam khi đó quá ít, chỉ 10 ngày chính thức, trong khi các nước khu vực dao động 15-16 ngày. Tuy nhiên khi Bộ Luật Lao động được thông qua, số ngày nghỉ chính thức chỉ tăng thêm một, trước hoặc sau dịp Quốc khánh (ngày 1/9 hoặc 3/9) tùy từng năm do Chính phủ lựa chọn.

Đến nay, sau 4 năm, công đoàn kiên trì với mục tiêu này khi tiếp tục đề xuất thêm 2 ngày nghỉ dịp 2/9. Ông Hiểu cho rằng nếu được bổ sung, kỳ nghỉ sẽ kéo dài đến hết 5/9 là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Với người lao động, đặc biệt là công nhân làm việc theo ca kíp, trực tiếp sản xuất thì được đưa con tới trường trong ngày khai giảng vẫn còn là ước mơ.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 có sự tham dự của 1.100 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước về dự đại hội.

Đại diện Công đoàn Việt Nam dẫn chứng trong một lần gặp gỡ lao động khu công nghiệp, có nữ công nhân khóc nói mấy năm chưa được đưa con nhỏ đi khai giảng vì bận dây chuyền trong nhà máy. Bởi lẽ xin nghỉ một buổi hoặc đổi lịch làm việc với công chức thì trong khả năng còn công nhân theo dây chuyền thì rất khó thay ca hoặc đổi chỗ vì có thể khiến cả dây chuyền phải sắp xếp theo. Điều này càng khó với lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Ông Hiểu cho rằng được cha mẹ đưa đi khai trường giúp trẻ nhỏ lớn lên có nhiều ký ức, gắn kết tình thân gia đình. Khi chất lượng cuộc sống nâng cao thì đời sống tinh thần, nghỉ ngơi của người lao động phải được chú trọng. Vì thế, tăng thêm ngày nghỉ lễ chính thức trong năm là cần thiết.

Đại diện công đoàn không đồng tình với quan điểm “nghỉ nhiều làm giảm năng suất lao động” bởi con người chỉ quyết định một phần năng suất, còn lại cần doanh nghiệp đầu tư máy móc, khoa học công nghệ, đổi mới cách thức quản lý. Nhìn sang nhiều nước như Trung Quốc cho nghỉ Quốc khánh cả tuần cũng là thông lệ mà Việt Nam có thể tham khảo.

Theo tổ chức công đoàn, khi chất lượng cuộc sống nâng cao thì đời sống tinh thần, nghỉ ngơi của người lao động phải được chú trọng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Công đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp ngành về nội dung này trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động gần nhất,hoặc các cơ quan nghiên cứu về việc ban hành quy định cấp thiết, trong đó có tăng số ngày nghỉ lễ và giảm giờ làm việc chính thức trong tuần,” ông Hiểu cho hay.

Ngoài nghỉ lễ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra đề xuất của đoàn viên, người lao động về việc sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động.

Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14) đã nêu rõ: “Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.” Do đó, công đoàn viên, người lao động đề xuất sớm nghiên cứu đề xuất giảm thời gian làm việc bình thường.

Việc điều chỉnh này sẽ hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình./.

Theo Vietnam+