Tăng trưởng kinh tế quý III khởi sắc

02/10/2020 - 07:39

Ngày 29-9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và tháng 9-2020. Bức tranh tổng thể kinh tế cho thấy, một số ngành tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng thấp hơn kế hoạch nhưng về cơ bản, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương với điểm sáng là các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất công nghiệp và một số ngành chủ lực có sự khởi sắc trong tháng 9, mở ra hy vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Sản xuất khung xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Hà Thanh

Nhiều ngành hồi phục

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, GDP chín tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là một thành công lớn của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%. Ðáng lưu ý, tăng trưởng GDP quý III-2020 đạt mức tăng 2,62% và khởi sắc so với quý II-2020 do có xu hướng rất tích cực ở một số ngành kinh tế, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động và có đóng góp lớn vào tăng trưởng như ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; hóa chất; cao-su; nhựa…

Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia Dương Mạnh Hùng phân tích: Ðiểm sáng của kinh tế Việt Nam trong quý III-2020 thể hiện ở ngành nông nghiệp có một số sản phẩm tăng trưởng cao nhờ chuyển dịch cơ cấu sản phẩm tốt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 5 năm gần đây nhưng vẫn đóng góp 1,02 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Một số lĩnh vực như sản phẩm điện tử; thiết bị y tế và thuốc vẫn có sự tăng trưởng khả quan. Ðặc biệt, ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng trưởng hơn 10%, cao gấp hơn hai lần mức tăng trưởng chung của toàn ngành, không chỉ góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp mà còn giải quyết công ăn việc làm, tác động lan tỏa và đẩy mạnh liên kết nội ngành trong các ngành kinh tế.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 làm đứt gãy thương mại toàn cầu nhưng cán cân thương mại tháng 9 tiếp tục thặng dư 3,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất siêu chín tháng đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2019. Khu vực kinh tế trong nước đã trở thành động lực tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng tăng 20,2% và chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hoạt động thương mại, vận tải trong nước cũng có dấu hiệu tăng trở lại ngay khi đợt bùng phát lần hai của dịch Covid-19 được khống chế. Sau thời gian tăng trưởng âm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2020 đều tăng so tháng trước và so cùng kỳ trong khi hoạt động vận tải tăng nhẹ 6,8% về sản lượng hành khách và tăng 4,5% sản lượng hàng hóa so tháng trước.

Giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt mức kỳ vọng nhưng tốc độ tăng vốn đầu tư đều đạt mức cao nhất 5 năm gần đây, trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vụ trưởng Thống kê công nghiệp Phạm Ðình Thúy nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công chín tháng mới đạt 59,7% kế hoạch nhưng đang tăng tốc rất nhanh. Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm cho nên khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Ðây là yếu tố quan trọng để có tích lũy tài sản tăng cao 5,79% chín tháng qua.

Tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Từ kết quả đạt được trong chín tháng, TCTK đánh giá mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 từ 2% đến 3% như nhiều tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài đưa ra là khả quan. Ðộng lực chủ yếu cho tăng trưởng vẫn là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phấn đấu ở mức cao nhất khoảng 95% đến 97% vốn kế hoạch được giao; công nghiệp chế biến, chế tạo khởi sắc. Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng đến từ tình hình kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường truyền thống châu Âu. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi cho hoạt động trồng trọt, nhiều loại cây ăn quả được mùa, giá gạo và thị trường tiêu thụ một số nông sản ổn định, tái đàn lợn đang thực hiện khá tốt… là những yếu tố giúp lĩnh vực nông, lâm nghiệp tăng trưởng tốt. Ba tuần qua, Việt Nam không phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, các đường bay quốc tế được xem xét nối lại theo phương án an toàn, mở ra tiềm năng phục hồi cho các ngành vận tải, du lịch, khách sạn nhà hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TCTK đánh giá, kinh tế Việt Nam sớm phục hồi, tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm 2020 và có khả năng bật dậy từ năm 2021 với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% đến 6,7% nhờ sức khỏe nền tài chính tốt thông qua các chỉ số nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay, dự trữ ngoại hối đều được cải thiện những năm gần đây. Ðể đạt mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, TCTK kiến nghị Chính phủ thực hiện sáu nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó nhấn mạnh giải pháp tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp (DN). Bởi đây là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP (khoảng 60%). Trong khi đó, gói hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 quy mô 62 nghìn tỷ đồng mới giải ngân được 13 nghìn tỷ đồng, chủ yếu cho đối tượng là người lao động, còn các DN chưa thể tiếp cận do thủ tục khó khăn. TCTK cũng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể so với kế hoạch đề ra thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cấp bách để triển khai ngay trong năm, nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Kích cầu đầu tư trong khối DN sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất. Chính phủ và DN nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định của Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Theo TÔ HÀ (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích