Ai ở Sài Gòn lâu mới biết tánh anh Hai Sài Gòn rất kỳ cục nhưng dễ mến lắm à nghen. Ngộ nhất là “ảnh” nói một đằng, nghĩ một đằng và làm… một nẻo. Dù Sài Gòn có nhiều người tứ xứ tới lập nghiệp nhưng rồi họ cũng nhiễm luôn cái tánh kỳ mà dễ thương của “ảnh” hồi nào mà không hay.
1. Nhớ hồi má tui ở quê lên Sài Gòn thăm tui, dì Chín hàng xóm nhà tui bèn dẫn má đi chợ Bà Chiểu cho biết với người ta. Má vô tới chợ hỏi một bộ đồ bông bông, hoa hoa mặc ở nhà thôi mà bà Tám đầu chợ nói 90 ngàn, cô Năm giữa chợ nói 100 ngàn, dì Sáu ở cuối chợ cũng nói 100 ngàn.
Dì Chín bèn dẫn má tui lội ngược lại đầu chợ chỗ bà Tám, nói: “Bây giờ 60 ngàn có bán hông tui còn đi chỗ khác?”. Bà Tám kêu: “Cho thêm 10 ngàn nữa đi”. Dì Chín đồng ý, chốt giá 70 ngàn. Tới lúc móc tiền ra trả, dì Chín chỉ có hai tờ 500 ngàn và một tờ 50 ngàn cộng thêm 9 ngàn tiền lẻ. Thấy vậy, bà Tám nói: “Thôi tui để cho 59 ngàn đó, chứ tiền đâu thối!”.
Má tui thấy lạ quá, thắc mắc: Ủa, 60 ngàn bả hổng chịu bán, đòi 70 ngàn, vậy giờ lại bán 59 ngàn là sao? Dì Chín cười: “Chuyện bình thường ở chợ Sài Gòn nha chị Ba! Nói thách là bịnh của họ, nhưng hết bịnh họ dễ thương lắm”.
Xong má về hồ hởi bảo tui: “Má đi một hồi thấy khát nước, nói dì Chín ghé mua nước uống. Dì nói “Mua chi, ra chỗ kia mà uống kìa”. Hóa ra chỗ đó có sẵn thùng nước đá, uống đã khát lắm, con ơi! Rồi má thấy họ ghi nước uống miễn phí, dễ thương gì đâu”.
Tui biết má còn chưa hiểu được tánh anh Hai Sài Gòn nên không giải thích gì, rồi còn nhiều chuyện dễ thương má chưa thấy.
2. Vài bữa, ba tui lên chơi rồi sẵn rước má về. Hai ông bà đi tập thể dục buổi sáng nên hổng mang nhiều tiền, vậy mà can đảm ghé siêu thị gần nhà mua đồ nấu ăn trưa. Lúc tính tiền, móc hết trong túi má chỉ còn có 90 ngàn mà trên phiếu thì 102 ngàn. Thấy hai ông bà già loay hoay, một cô gái lạ đứng phía sau nói: “Thôi bác khỏi trả lại hàng, để con bù cho”.
Má tui còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì cô gái đưa luôn cho thu ngân 12 ngàn. Má tui hỏi: “Vậy sao bác kiếm con trả lại?”. Cô gái chỉ cười: “Có nhiêu đâu, bác khỏi trả cho con nghen”.
Má tui xúc động hơn là mừng rơn, ở quê má sống tình làng nghĩa xóm, nhưng gặp người lạ thì 1 ngàn cũng không cho huống chi 12 ngàn. Má lại biểu “dễ thương quá, con ơi!”.
3. Thăm tui vài bữa, má tui nhiễm luôn tánh kỳ của anh Hai Sài Gòn. Như bữa hổm má ra đường, thấy chị kia bế con nhỏ, tay xách đồ nặng, dù không quen biết nhưng má cũng xách giùm mấy bọc. Về tới nhà chỉ, má còn cho con bé ba trái cam má mới mua ngoài chợ. Má kêu “làm giống người Sài Gòn thấy vui, con ơi!”.
Hồi lâu, nhỏ em con ông bác của thằng bạn (giờ đang là vợ tui) lên Sài Gòn ôn thi đại học. Con nhỏ mượn xe tui đi qua trường ôn thi, tối trên đường về xe hết xăng. Dắt mỏi chân không tìm thấy cây xăng, con nhỏ đang muốn khóc thì bỗng có bác sửa xe đạp ngoắc lại: “Vô đây tui cho cô ít xăng”. Nói xong bác tháo từ bình xăng xe máy nhà bác ra cho con nhỏ một xị xăng. Nhỏ mừng húm cảm ơn rối rít rồi móc tiền ra trả. Ông bác kêu “giúp người lúc sa cơ tính tiền chi, cô ơi!”. Nhỏ vừa leo lên xe vừa cay cay nơi khóe mắt.
Rồi nhỏ em con ông bác của thằng bạn cũng nhiễm luôn tánh kỳ của anh Hai Sài Gòn. Hôm đó nó đi học về thì thấy chị mặc áo tím chở con nhỏ mà xe hết xăng giữa chừng. Con nhỏ bèn kêu mẹ con chị áo tím đứng đợi một chút, xong nó chạy cái vèo đi mua một lít xăng mang về. Chị áo tím mừng rơn.
Còn hôm bữa tui đọc đâu câu chuyện có anh kia ghé đường Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh mua xôi, có thằng nhóc ghé bán vé số, ảnh mua cho nó hai tờ. Thấy nó đói rách, ảnh kêu chị bán xôi bán thêm một hộp cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ biết mua cho nó nên nói chị bán xôi chia thành hai bịch để nó cho nhỏ bạn cùng bán vé số cũng đang đói. Anh mua xôi thấy thế liền kêu chị bán xôi bán luôn cho hai hộp. Thằng nhỏ cảm ơn rối rít rồi cầm hai hộp xôi đi.
Chưa hết, tới khi tính tiền, chị bán xôi tính có 10 ngàn cho ba gói xôi. Chỉ kêu nếu anh kia không mua chỉ cũng sẽ cho xôi nó, bởi thằng nhóc hay bán vé số quanh đây, rất tốt bụng. Bữa hổm nó còn giúp người khác đẩy xe trong triều cường, bị rớt vé số xuống nước ướt hết. Tui đọc xong câu chuyện cũng chực trào nước mắt.
Ảnh: Hoàng Giang
4. Một lần nọ nữa, trời mưa rả rích, nước ngập đầy đường. Một chị ở Bình Dương lên Sài Gòn tìm nhà người bạn. Chị bị lạc nên hỏi đường một cậu sinh viên gần nhà tui. Địa chỉ cũng hơi khó kiếm nên cậu sinh viên bèn xách xe ra dẫn chị đến tận nơi xong mới quay về. Một lát thấy nó vừa ăn tối vừa kể chuyện đó với niềm tự hào hiện rõ trên mặt. Con người chỉ cần làm một việc nhỏ mà tốt là thấy hạnh phúc chứ đâu cần gì to tát đâu!
Mà tui cũng thích cái vụ vá xe miễn phí ở chỗ anh Hai Sài Gòn nhen. Không phải thích vì được miễn phí vài ba đồng bạc, mà bởi cái miễn phí ở đây là chứa đựng rất nhiều tình yêu thương giữa những người không quen, không biết. Có anh kia tên Hiếu làm bảo vệ ở quận 4, cứ tới gần khuya là bày đồ nghề ra lề đường để vá xe cho người cơ nhỡ. Mà kỳ lắm nghen, ảnh còn để cái bảng: “Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá, đừng ngại kêu vá liền 0374308676”.
Ở làng đại học Thủ Đức thì có chú Minh “cô đơn” chuyên vá xe miễn phí cho sinh viên khu làng đại học này. Chú thường ngồi cạnh cái bình bơm cũ rích có cái bảng “Bơm - vá xe miễn phí” để giúp người không may xẹp lốp, lủng bánh. Không chỉ thế chú còn gắn hộp đồ nghề trên chiếc xe máy nhìn rất chi là ngầu với dòng chữ “Vá xe miễn phí - điện thoại: 0358773482” đặng ai cần thì gọi chú chạy tới vá cho nhanh. Chưa hết, chú còn luôn treo lủng lẳng bình xăng trên xe, gặp ai hết xăng chú cũng giúp đỡ miễn phí luôn.
* * *
Người Sài Gòn còn nhiều tánh kỳ, tui kể hoài cũng không hết. Nói chung tánh kỳ theo cái kiểu gặp ai cũng giúp, người lạ người quen gì thấy khó là giúp mà không cần báo đáp. Tôi thì nghĩ rằng anh Hai Sài Gòn có lòng bao dung tất cả, ảnh bao bọc hết mọi người, mọi tầng lớp mà không từ chối bất cứ ai. Bởi sự pha trộn của tứ phương nên tánh ảnh cũng kỳ cục nhưng kỳ thực là dễ thương phát hờn.
Theo NGUYÊN LÊ (Pháp luật TP. HCM)