Tạo động lực, sinh khí mới cho năm 2024

21/01/2024 - 22:45

 - Mặc dù vẫn tồn tại những khó khăn nhất định, nhưng năm 2024 được xem là năm bứt phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm then chốt quan trọng này (phấn đấu GRDP tăng 7,5 - 8,5%), đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chấp nhận xử lý sai phạm, khuyết điểm để làm tốt hơn; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hội nghị đặc biệt

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 của UBND tỉnh An Giang vừa qua diễn ra khá đặc biệt. Vẫn là hình thức trực tuyến với các địa phương, nhưng Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố được mời về dự tại điểm cầu tỉnh, cùng Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN và thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Điểm cầu cấp tỉnh do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chủ trì. Trong khi đó, điểm cầu cấp huyện do Bí thư Huyện, Thị, Thành ủy chủ trì.

Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, việc đổi mới tổ chức nhằm tạo sự thông suốt trong cả hệ thống chính trị, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, tạo động lực, sinh khí mới trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024.

Thực tế năm 2023, An Giang đã đạt nhiều kết quả phát triển KTXH đáng ghi nhận. Dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh (còn chỉ tiêu bảo hiểm y tế toàn dân gần đạt); GRDP đạt 7,34% (đứng thứ 4 ĐBSCL, đứng thứ 21 cả nước và cao nhất trong 11 năm trở lại đây); nhiều công trình giao thông trọng điểm được khởi công... Đó là kết quả từ nỗ lực lớn, trách nhiệm cao của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, không khí nặng nề vẫn bao trùm khi An Giang xảy ra các vụ vi phạm, liên quan đến nhiều cán bộ chủ chốt bị khởi tố, điều tra hoặc kiểm điểm, xử lý theo các kết luận thanh, kiểm tra, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động lãnh đạo, điều hành của tỉnh.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản, công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Trong khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã có thông báo kết luận về việc lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các dự án, gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC.

“Kết luận đã rõ, cần phải khẩn trương kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách  nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; nghiêm chỉnh chấp hành kết luận, sớm giải quyết, xử lý dứt điểm ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để tạo sinh khí đón năm mới. Các cán bộ sau khi kiểm điểm thì vui vẻ làm việc, vững tin thực hiện nhiệm vụ, tạo khởi sắc năm 2024 và những năm tiếp theo” - đồng chí Lê Hồng Quang khẳng định.

Dốc toàn lực cho năm then chốt

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, năm giữ vai trò then chốt, quyết định đối với thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025).

Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu và tất cả cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm; đổi mới tư duy, dám nghĩ đúng, dám làm đúng vì lợi ích chung; chủ động tiến công, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024. “Không thể chấp nhận vì sợ sai mà không dám làm, không dám đột phá. Nếu đặt cái tâm nghĩ đúng, làm đúng vì sự nghiệp chung, không vụ lợi cá nhân thì không việc gì phải sợ” - đồng chí Lê Hồng Quang nhắn gửi.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, cần phải xem các nguồn khoáng sản là tài nguyên quốc gia đặt tại An Giang, phải phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, nếu không khai thác cẩn trọng sẽ ảnh hưởng đến quê hương, người dân về lâu dài. “Chúng ta không đánh đổi mọi giá để phát triển kinh tế. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ những nhiệm vụ chiến lược của tỉnh là giữ vững quốc phòng - an ninh biên giới,  đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước... hướng đến phát triển xanh, bền vững” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

Việc tỉnh tổ chức thành công Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang sẽ góp phần lan tỏa những định hướng, chiến lược quy hoạch, làm cơ sở để xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KTXH trong thời gian tới; tạo sinh khí mới, tinh thần phấn khởi thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với triển khai quy hoạch, cần tập trung rà soát kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu KTXH của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI để đề ra giải pháp thực hiện thắng lợi trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ; cụ thể hóa nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH năm 2024.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa phận An Giang), tuyến tránh TP. Long Xuyên, các dự án giao thông liên vùng, nội tỉnh và các công trình trọng điểm về y tế (Bệnh viện Tim mạch tỉnh), giáo dục, văn hóa (Nhà hát tỉnh An Giang, sân vận động tỉnh), quốc phòng - an ninh của tỉnh… Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm...

Năm 2024, tỉnh đề các các chỉ tiêu phát triển KTXH chủ yếu, như: GRDP tăng 7,5 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 70,27 - 70,88 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội 47.867 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,185 tỷ USD; thu ngân sách 7.197 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5 - 1%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%...

NGÔ CHUẨN