Từ giữa năm 2015 đến nay, mô hình học tập qua trải nghiệm được thầy và trò Trường THCS Long Phú (phường Long Phú, TX. Tân Châu, An Giang) thực hiện rất hiệu quả bằng nhiều hoạt động ngoại khóa. Ngoài những giờ học chính khóa trên lớp, các em học sinh của trường được tổ chức nhiều hoạt động bằng hình thức: sinh hoạt câu lạc bộ với nhiều chủ đề đa dạng có tính ứng dụng trong học tập, cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho các em.
Theo thầy Phạm Thành Lẫm (giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Long Phú), từ đầu năm học đến nay, trường có nhiều hoạt động, như: mảnh ghép, mặt nạ sáng tạo, Robocon mi-ni, mô hình vườn rau ứng dụng công nghệ, ngôi nhà mơ ước... thu hút đông đảo học sinh tham gia trải nghiệm.
Thông qua các chủ đề này không chỉ giúp các em được trải nghiệm và sáng tạo, mà còn giúp các em hiểu được sở thích, sở trường của mình để có định hướng nghề nghiệp tương lai. “Ưu điểm nổi bật nhất của mô hình học tập qua trải nghiệm là giúp các em học sinh chủ động trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đến triển khai thực hiện và chia sẻ, ghi nhận kết quả đem lại thông qua các hoạt động” - thầy Lẫm cho hay.
Những hoạt động liên quan đến khoa học – kỹ thuật được học sinh hứng thú, tìm hiểu và trải nghiệm
Khi bắt đầu năm học, Liên đội sẽ lên kế hoạch cho thủ lĩnh đăng ký các chuyên đề, sau đó nhà trường sẽ sắp lịch cho các chuyên đề được tổ chức. Nhiệm vụ của các thủ lĩnh là lên kế hoạch cho chuyên đề và trình bày cho giáo viên Tổng phụ trách Đội nắm và duyệt nội dung.
“Các chuyên đề được nhà trường thông báo rộng rãi đến các lớp, các em học sinh hứng thú với hoạt động nào sẽ đăng ký với "thủ lĩnh" để tham gia. Tuy không phải bất kỳ hoạt động nào được tổ chức sẽ thành công, nhưng dù đạt hay không thì điều quan trọng vẫn là các em học hỏi được những gì và sẽ làm tốt hơn ở những lần sau” - thầy Lẫm chia sẻ.
Khi "thủ lĩnh" tìm ra được ý tưởng cho hoạt động sẽ lên kế hoạch, tập huấn cho các nhóm trưởng. Tập huấn ở đây là bước trải nghiệm đầu tiên ở các nhóm nhỏ, như là một bước chuẩn bị để mở ra một chuyên đề sinh hoạt hoàn chỉnh sắp tới.
Điển hình hoạt động “Trải nghiệm cơ điện tử”, vừa được tổ chức tại trường cũng theo hình thức tập huấn trước để chuẩn bị cho bước mở chuyên đề. Là chủ đề thú vị nên hoạt động thu hút rất đông học sinh đăng ký tham gia trải nghiệm, ai cũng muốn tự tay thiết kế cho mình 1 chiếc xe mi-ni điều khiển bằng điện thoại thông minh của mình.
“Bằng việc cho học sinh suy nghĩ các chuyên đề sinh hoạt đã giúp tạo môi trường học tập tốt nhất, từ đó tạo hứng thú trong học tập. Ngoài ra, giúp rèn luyện những kỹ năng, tăng khả năng chủ động trong hành động của học sinh để đưa ra quyết định tốt, tăng sự tự tin trong nhận thức” - thầy Lẫm giải thích.
Các hoạt động của mô hình “Vườn rau gây quỹ giúp bạn” của Trường THCS Long Phú thu hút học sinh tham gia, như một hình thức trải nghiệm, học tập, chia sẻ. Nguồn quỹ thu được từ việc bán rau của các em còn giúp đỡ tập, bàn, đèn học cho các bạn học sinh khó khăn của trường. Bên cạnh đó, mô hình là sân chơi khoa học cho học sinh nghiên cứu ứng dụng quản lý việc tưới phun bằng điện thoại thông minh.
Hiện nay, các em còn thực hiện mô hình vườn rau có lắp ráp hệ thống tưới tự động điều khiển trên điện thoại thông minh để các thành viên dễ dàng quan sát và trải nghiệm. Mới đây, còn được gắn thêm hệ thống đèn tự động, khi nhiệt độ trong nhà lưới xuống thấp, đèn sẽ tự động bật sáng để đảm bảo duy trì nhiệt độ đúng theo yêu cầu canh tác. Để duy trì hoạt động, ngoài vận động xã hội hóa thì kinh phí do các em tự trồng rau bán, phân loại rác bán hàng tuần để mua sắm các thiết bị, quà tặng...
“Phấn khởi nhất là các em tham gia các hoạt động, đội kỹ năng đều có thành tích học tập tốt, nằm trong "top 5" của lớp. mô hình học tập qua trải nghiệm đã và đang phát huy hiệu quả tốt, do vậy nhà trường tiếp tục duy trì mô hình, tạo mọi điều kiện để các em có thể tham gia, khuyến khích các em tìm ra các hoạt động, mô hình mới, hấp dẫn, thú vị hơn” - thầy Lẫm thông tin.
ÁNH NGUYÊN