PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trao chứng nhận cho học viên
Năm nay, gần 600 học viên tham gia hội nghị tập huấn “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với VHNT trước yêu cầu mới” tại tỉnh Hà Tĩnh (khu vực phía Bắc) và tỉnh An Giang (khu vực phía Nam), là minh chứng sinh động, cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động này.
PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương) chia sẻ: “Nhiều đoàn công tác phía Bắc không quản ngại đường xa, xin phép đến An Giang dự tập huấn. Việc thay đổi không gian tổ chức hội nghị tạo ra cảm hứng đối với học viên lần đầu đến miền Nam. Khi có dịp gặp nhau, trao đổi, đối thoại, hàn huyên trực tiếp thế này, chúng tôi mong nâng cao năng lực xử lý tình huống nảy sinh trong đời sống VHNT ở địa phương, đơn vị”.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thông tin, là vùng địa linh nhân kiệt, với giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng, An Giang vinh dự đạt 4 giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà văn Anh Đức, Lê Văn Thảo), 2 giải thưởng nhà nước. Kế thừa thành quả thế hệ đi trước, cán bộ làm công tác tuyên giáo, văn hóa, VHNT, phóng viên, biên tập viên báo chí trong và ngoài tỉnh không ngừng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, hòa mình vào hơi thở cuộc sống, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật; chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào đời sống xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước nói chung, hình ảnh An Giang nói riêng.
“Hội nghị tập huấn này là dịp để An Giang có thêm góc nhìn đa chiều về lĩnh vực phê bình VHNT; là cơ hội để người làm văn hóa, nghệ thuật An Giang có thêm phương pháp, kinh nghiệm trong lĩnh vực giàu tính nhân văn, bản sắc người Việt Nam nói chung, người dân An Giang nói riêng. Trong thời gian lưu lại, rất mong các đại biểu sẽ có ấn tượng đẹp về văn hóa, con người, cảnh quan vùng đất An Giang, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang kỳ vọng.
Những ngày đầu tháng 8, tham dự hội nghị, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, người làm công tác tuyên giáo, quản lý văn hóa, báo chí và đội ngũ văn nghệ sĩ được củng cố, nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, VHNT của Đảng, nhà nước - nhất là những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 và định hướng, giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; vấn đề xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam hiện nay; vấn đề tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam; nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm quyền tự do trong sáng tạo VHNT; vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội VHNT; hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo VHNT; nắm bắt thông tin về tình hình văn xuôi, âm nhạc trên không gian mạng hiện nay...
Đợt tập huấn kết thúc, với nhiều dư âm tốt đẹp, như khẳng định của học viên Vũ Quốc Tín (Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau): “Chúng tôi được trang bị những kiến thức rất bổ ích, định hướng quan trọng đối với VHNT trước yêu cầu mới. Điều đặc biệt của lớp là mở rộng không gian để học viên giao lưu, học hỏi thêm về công tác lãnh, chỉ đạo, định hướng chuyên môn khi trở về địa phương công tác”.
Sau tập huấn này, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương còn nhiều nhiệm vụ nặng nề phải thực hiện, theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong đó, cần tập trung huy động đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài hội đồng, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), 50 năm VHNT sau ngày đất nước thống nhất…
Mặt khác, tiếp tục xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ; xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam; góp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng hệ thống luận điểm, luận cứ, phương pháp, nghiệp vụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực VHNT, một nội dung rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
“Tin tưởng rằng, đợt tập huấn tạo khí thế mới, quyết tâm mới cho công tác lý luận, phê bình VHNT, góp phần giữ gìn và phát huy nền văn học Việt Nam thực sự là “hồn cốt của dân tộc”, “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, nhà nước đã trao gửi trách nhiệm cho những người làm công tác VHNT hôm nay” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm bày tỏ.
GIA KHÁNH