Tạo môi trường hứng khởi cho sáng tạo

17/12/2022 - 08:03

Đầu tư cho con người, bảo trợ cho những bộ môn và sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao, tạo môi trường khích lệ sáng tạo, theo nhạc sĩ Quốc Trung, làm được như thế sẽ phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam.

- Trong tham luận gửi tới Hội thảo Văn hóa 2022 về huy động nguồn lực phát triển công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam, ông có nhấn mạnh cần đánh giá khách quan và chính xác về hiện trạng ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam để từ đó đưa ra các mục tiêu phát triển khả thi. Vậy theo ông, với con mắt của một người trong nghề, chính xác thì thực trạng âm nhạc Việt Nam và công nghiệp âm nhạc Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Âm nhạc là một lĩnh vực nổi bật trong nền công nghiệp văn hóa. Mặc dù chúng ta đã có một nền âm nhạc tương đối có bề dày và khá đa dạng nhưng quả thực nền công nghiệp âm nhạc của chúng ta còn rất mới mẻ bởi nó chưa thực sự được xây dựng theo một chuẩn mực.

Ảnh: NVCC

Nền âm nhạc trước đây được phục vụ mục đích tuyên truyền, cho các công cuộc cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Sau khi hòa bình lập lại, nền âm nhạc cũng dần chuyển sang cơ chế thị trường nhằm phục vụ người dân và xã hội nhưng chưa thật sự được đánh giá theo khía cạnh nghệ thuật và sáng tạo, chưa được coi trọng đúng mức và chưa được xây dựng chiến lược phát triển theo một quy luật và cách thức nghiêm túc.

Chính vì vậy mà có thể nói chúng ta có nhưng chưa thể gọi là một nền công nghiệp âm nhạc thực sự. Về sáng tạo, chúng ta còn có quá ít sản phẩm mang tầm vóc và tiêu chuẩn quốc tế. Về kinh tế thì dù đơn thuần giải trí hay thậm chí những ngôi sao ca nhạc quốc tế hàng đầu về Việt Nam cũng chưa ai có thể kinh doanh hay mang lại lợi nhuận kể cả việc có tài trợ.

- Hội thảo Văn hóa 2022 có chủ đề là “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Soi chiếu các yếu tố này (thể chế, chính sách, nguồn lực) cụ thể trong lĩnh vực âm nhạc, theo ông, để có thể phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam, cái chúng ta đang vướng nhất là gì?

- Chúng ta chưa có một môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển bền vững. Sáng tạo là con người, đầu tư nguồn lực con người cần có kế hoạch dài lâu và bền vững. Cả hai điều này chưa có điều kiện và môi trường trong nền công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong cả quản lý và chính sách.

- Kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển mà ông biết đã giải quyết những vướng mắc này ra sao?

- Đầu tư và bảo trợ cho những bộ môn và sản phẩm đỉnh cao, tạo môi trường phát triển và sự đa dạng trong sáng tạo. Tại những nước phát triển như CHLB Đức hay Vương quốc Anh, họ đều bảo trợ cho âm nhạc cổ điển và dân gian nhưng vẫn là thị trường hàng đầu thế giới về âm nhạc phổ thông. Bên cạnh đó, tạo thói quen tôn trọng, khuyến khích và cổ vũ cho những sáng tạo tìm tòi và biểu đạt mới, đa dạng.

- Ông cho rằng,“huy động nguồn lực cho nền công nghiệp âm nhạc, công nghiệp sáng tạo chính là huy động nguồn lực sáng tạo của đội ngũ làm sáng tạo”. Làm thế nào để hiện thực hóa điều này trong bối cảnh của Việt Nam?

- Cần có những chính sách và quy định về quản lý phù hợp, rõ ràng, tránh cảm tính và can thiệp về chuyên môn, sáng tạo. Định hướng phát triển bằng cách đầu tư đúng đắn vào những công trình nghệ thuật có tầm cỡ và năng lực giao lưu với thế giới, tránh đầu tư dàn trải theo kiểu bao cấp như hiện tại. Tạo môi trường mang lại hứng khởi cho sáng tạo, mở rộng thị trường và giao lưu với thế giới để cọ xát. Cuối cùng là cần đánh giá từ bên ngoài thay vì đóng cửa và tự vỗ tay khen nhau.

- Ông kỳ vọng gì ở Hội thảo Văn hóa 2022 cũng như việc cụ thể hóa các kiến nghị, đề xuất từ Hội thảo này để tạo chuyển biến trong thực tế?

- Tôi kỳ vọng vào việc đánh giá đúng mức tầm quan trọng của văn hóa đối với phát triển đất nước, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, tránh hô hào rồi lại đâu vào đó. Đã đến lúc cần những thay đổi mạnh mẽ trước khi quá muộn.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Đại biểu nhân dân