Các tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc so cùng kỳ năm 2021, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới được đảm bảo. Trong đó, có sự góp sức, đồng tình, ủng hộ của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Theo đánh giá của UBMTTQVN tỉnh, thời gian qua, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, cơ bản ổn định. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức theo quy định của pháp luật, hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo. Đại đa số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tin tưởng và đồng thuận với những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước
. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo còn tích cực tham gia các phong trào do UBMTTQ các cấp và các địa phương phát động, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện công tác an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 thông qua mô hình “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, "Cây ATM gạo"...
Các tổ chức tôn giáo ủng hộ Quỹ Vì người nghèo năm 2022 và Cây mùa xuân Tết Quý Mão 2023
Để tạo sự kết nối, gắn bó giữa mặt trận các cấp với các tổ chức, tín đồ tôn giáo, hàng năm, UBMTTQVN tỉnh, huyện tổ chức họp mặt nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo nhân dịp xuân về. Song song đó, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, huyện còn tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà nhân các ngày lễ của các tôn giáo, như: Đại lễ Phật đản của Phật giáo, Đại lễ Tam hợp của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, kỷ niệm Ngày khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), lễ Giáng sinh trong đạo Công giáo và Tin Lành… Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận hoạt động đúng pháp luật, hiến chương của các tôn giáo và xây dựng mối quan hệ gắn bó với các chức sắc, chức việc tôn giáo.
Đầu năm đến nay, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận tiền mặt và hiện vật quy tiền tổng trị giá trên 232,5 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức tôn giáo. Từ số tiền vận động được, đã chi trên 199 tỷ đồng để cất mới 1.330 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 111 căn nhà; thăm hỏi, tặng quà cho trên 295.000 lượt hộ nghèo; trợ giúp khó khăn đột xuất, trợ giúp học sinh học tập, hỗ trợ khám bệnh cho hàng trăm ngàn lượt người. Ngoài ra, các tổ chức, tín đồ tôn giáo còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xây cầu, làm đường, phòng chống COVID-19..
Nhằm nâng cao nhận thức cho các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo về quy định của pháp luật trong hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về đoàn kết dân tộc, tôn giáo, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã phối hợp Ban Thường trực UBMTTQVN TP. Châu Đốc và các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Chợ Mới tuyên truyền về chính sách đại đoàn kết dân tộc, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Mới đây, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại với Ban Trị sự Giáo hội PGHH cơ sở trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tại buổi đối thoại, đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh cùng Ban Tôn giáo tỉnh đã thông tin, trao đổi, giải đáp 18 vấn đề, đề xuất, kiến nghị của các tín đồ và Ban Trị sự Giáo hội PGHH cơ sở liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng cho biết, theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, MTTQ có nhiệm vụ tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng tôn giáo và không theo tín ngưỡng tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tiếp thu, phản ánh kịp thời những ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của người dân về các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như tham gia phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy định, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo…
Do đó, việc tổ chức đối thoại với Ban Trị sự Giáo hội PGHH cơ sở giúp các chức việc, tín đồ PGHH thông suốt quy định của pháp luật trong hoạt động tôn giáo và tạo điều kiện để mặt trận tỉnh nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của Ban Trị sự Giáo hội PGHH cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo và người dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động tôn giáo đúng luật.
Phát huy những kết quả đạt được, MTTQ các cấp sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương theo tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”. Cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, đề xuất đến các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn An Giang ngày càng vững chắc.
MỸ LINH