Tập trung bảo vệ rừng trong mùa khô

26/02/2024 - 07:20

 - Trước diễn biến phức tạp của nắng nóng, Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh, Chi cục Kiểm lâm An Giang và các địa phương đã chủ động triển khai nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” của tỉnh trong mùa khô năm 2024.

Chủ động nguồn nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang Thái Văn Nhân thông tin: “Diễn biến của mùa khô năm nay khá phức tạp, với nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt. Từ Tết Nguyên đán đến nay, đã xảy ra vài vụ cháy với diện tích nhỏ ở khu vực rừng phòng hộ núi Dài (huyện Tri Tôn), rừng phòng hộ núi Cấm, núi Giài nhỏ (TX. Tịnh Biên). Dù thiệt hại không lớn, nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo để chúng tôi tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai nhiều biện pháp để thực hiện công tác PCCCR đạt hiệu quả cao nhất”.

Theo ông Nhân, từ cuối mùa mưa, Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ bố trí cho các chốt bảo vệ rừng. Đồng thời, thực hiện định vị, thống kê toàn bộ các hồ, đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và PCCCR trên khu vực đồi núi; tổ chức thuê gánh nước đổ vào 250 bồn chứa ở các sườn núi phục vụ chữa cháy khi cần thiết. Đối với khu vực rừng tràm Trà Sư, đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước hợp lý, đảm bảo dự trữ được nguồn nước phục vụ công tác PCCCR.

“Bên cạnh chuẩn bị phương tiện, chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền bằng nhiều phương pháp để người dân hiểu, chấp hành tốt quy định PCCCR. Đặc biệt, đã phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm tra phòng, chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao. Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên ứng trực, cảnh giác cháy rừng ở mức cao nhất. Trong đó, lực lượng hợp đồng PCCCR có trách nhiệm tuần tra hàng ngày dưới sự theo dõi, giám sát của các trạm quản lý rừng. Vào cao điểm mùa khô, đơn vị thực hiện ứng trực 100% lực lượng, nhằm đảm bảo hiệu quả cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR” - ông Thái Văn Nhân cho hay.

Về biện pháp kỹ thuật, các trạm quản lý rừng đã đôn đốc các hộ nhận khoán phát quang, dọn cỏ, làm giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng; tổ chức đốt chủ động với diện tích khoảng 16ha; xây dựng các tuyến đường băng cản lửa với diện tích 28,19ha; phát dọn dây leo, cây bụi tại các tuyến đê phục vụ tuần tra, chữa cháy rừng...

Cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ rừng hiệu quả trong mùa khô năm nay, Trạm Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc (Chi cục Kiểm lâm An Giang) đã tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Theo đó, đã bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt công tác này theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; thực hiện bố trí, cấp bổ sung phương tiện, dụng cụ PCCCR đến các trạm kiểm lâm địa bàn; các xã, phường có rừng sẵn sàng ứng trực trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc Chau Si Na thông tin: “Cấp cảnh báo cháy rừng hiện nay là cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), nên chúng tôi đã tăng cường các biện pháp PCCCR. Trong tháng 1/2024, đã tổ chức 16 đợt tuần tra, bảo vệ rừng với 51 người tham gia. Đồng thời, đã củng cố các lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng tại TX. Tịnh Biên, gồm: Kiểm lâm, công an, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Tịnh Biên, các đơn vị quân sự đóng trên địa bàn nhằm chủ động phản ứng trong mọi tình huống, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng”.

Ông Chau Si Na cho hay, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc đã tham mưu Ban chỉ huy Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững TX. Tịnh Biên triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR và chống chặt phá rừng năm 2024. Theo đó, đã yêu cầu các xã, phường có rừng đặt nhiệm vụ bảo vệ rừng, PCCCR và chống chặt phá rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong mùa khô năm 2024. Trên cơ sở đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và PCCCR.

“Mùa khô hàng năm trùng với thời điểm mùa hành hương của du khách đến vùng Bảy Núi. Do đó, chúng tôi tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đốt nhang đèn, vàng mã ở những khu vực dễ xảy ra cháy. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tuyên truyền công tác PCCCR. Đồng thời, chủ động phương tiện, dụng cụ phục vụ chữa cháy, gồm: Xe tải 5 tấn, xe chuyên dùng cơ động, máy chữa cháy đồng bằng, máy phao nổi chữa cháy, máy xịt đeo vai, máy chữa cháy bằng gió, máy cưa lam, máy bộ đàm, máy bay flycam và các phương tiện, dụng cụ khác… để ứng phó với tình huống xảy ra” - ông Chau Si Na thông tin thêm.

Với diễn biến phức tạp của mùa khô năm nay, các lực lượng bảo vệ rừng đang tập trung cao độ nhằm bảo vệ diện tích rừng của tỉnh. Để công tác này đạt hiệu quả cao, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và người dân trong việc chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên rừng của tỉnh.

Theo Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh, toàn tỉnh hiện có 13.277,2ha rừng phòng hộ và đặc dụng, tại các địa phương: TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc. Trong đó, khu vực trọng điểm cháy chiếm khoảng 5.655ha, với thời gian nguy cơ xuất hiện cháy rừng từ tháng 1 đến tháng 5 đối với khu vực rừng đồi núi; từ tháng 1 đến tháng 7 - 8 đối với rừng đồng bằng.

THANH TIẾN