Tập trung phục hồi kinh tế, chăm lo an sinh xã hội

27/12/2021 - 06:48

 - Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, đây là giai đoạn phù hợp để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, ưu tiên cho lĩnh vực thế mạnh, như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, từng bước phục hồi du lịch (DL).

Nâng tầm sản phẩm chủ lực

Lĩnh vực có khả năng tăng trưởng tốt, đồng thời cũng là bệ đỡ của nền kinh tế là nông nghiệp. Toàn tỉnh đang tập trung triển khai kế hoạch “Thúc đẩy sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay”, Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025; Chương trình tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, ngành nông nghiệp cùng các địa phương sẽ tiếp tục rà soát, xác lập vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn và tầm nhìn đến 2030.

Qua đó, hình thành, phát triển hệ thống sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp chất lượng cao; tập trung tổ chức sản xuất, hình thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô hàng hóa cho từng địa phương cụ thể, theo hướng “mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm chủ lực”. Tỉnh tiếp tục chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang hoa màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, triển khai áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng GlobalGAP, VietGAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân.

Phát huy kết quả những năm qua, tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Trong đó, tăng cường hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, quyền lợi và vai trò của người dân để tranh thủ sự đồng tình của toàn dân tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư về nông thôn; tranh thủ sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và nhân dân tham gia xây dựng NTM.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo điều kiện và tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo quy định về thu hút đầu tư theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg, ngày 5-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phục hồi sản xuất tại khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp nền tảng, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo… Trong đó, ưu tiên phát triển ngành sử dụng nguyên liệu, vật liệu có lợi thế tại địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, như: Chương trình khuyến công tỉnh; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh từ năm 2017-2025; chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025… Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2021, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, nhiều dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, gián đoạn. Để tạo động lực tăng trưởng năm 2022, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI; quyết liệt triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP, Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (giai đoạn 2021-2025), kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo quy định của pháp luật về đầu tư công, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm thực hiện trong năm 2022, chủ động rà soát sắp xếp thứ tự ưu tiên, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải; tranh thủ huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác cho đầu tư phát triển ngoài nguồn vốn đầu tư công.

Cùng với từng bước phục hồi DL theo hướng thích ứng an toàn, DL “không chạm”, tỉnh tập trung triển khai thực hiện hoạt động hợp tác phát triển DL giữa An Giang và cụm liên kết hợp tác, phát triển DL phía Tây vùng ĐBSCL; chương trình liên kết phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL; tham gia các sự kiện do cụm liên kết tổ chức.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cung ứng trên địa bàn tỉnh được thông suốt, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh để tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh năm 2022, trước mắt là Tết Nguyên đán Nhâm Dần

 

NGÔ CHUẨN