Tắt sóng 2G tại Việt Nam là xu thế không thể đảo ngược

18/07/2024 - 14:45

Đến tháng 9/2024, các thuê bao 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị để tiến tới tắt sóng 2G vào năm 2026.

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức tọa đàm ‘Tắt sóng 2G người dân cần chuẩn bị gì?’.

Tọa đàm có sự tham dự của Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã; Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Trần Mạnh Tuấn; Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Quang Hưng; Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan; ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet; Đại diện các doanh nghiệp viễn thông, đơn vị phân phối smartphone gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, ASIM, VNSKY, Thế Giới Di Động, Di động Việt, OPPO cùng hơn 60 phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí trên toàn quốc.

Tọa đàm 4.jpg

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo thông tin từ tọa đàm, mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G, thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả.

Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. 

Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện. 

Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.  

Võ Đăng Thiên.jpg

Ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet cho hay, việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của GSMA, cho đến giữa năm nay, có 149 nhà mạng đã và đang triển khai tắt công nghệ cũ. Đại đa số các nước đã tắt 2G là các quốc gia tiên tiến, với 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã tắt 2G từ lâu như Mỹ, Singapore từ năm 2017 và năm 2018 là Australia.

Bộ TT&TT đã có những chính sách tốt để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, tiêu biểu như vấn đề tiêu chuẩn hóa, không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G Only. Nhờ vậy, sẽ tạo điều kiện để việc tắt sóng 2G ảnh hưởng rất ít đến người sử dụng.

Việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số. 

Cụ thể, với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ giúp họ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn. Đồng thời, điều này cũng góp phần hoàn thành mục tiêu “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”, phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam của Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện. Vì thế, loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.

Còn đối với Chính phủ, việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số. 

Hiện các nhà mạng đang xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào hai hỗ trợ chính là hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone. 

“Qua buổi tọa đàm này, tôi hy vọng sẽ có nhiều ý kiến đóng góp quý báu để giúp cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân chuyển từ 2G lên sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G thuận lợi nhất, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia”, ông Võ Đăng Thiên chia sẻ.

Tọa đàm 5.jpg

Nhà báo Thái Khang (trái) và Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cùng điều hành tọa đàm: Ảnh: Lê Anh Dũng.

Sau phát biểu khai mạc của đại diện Ban tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, nhà báo Nguyễn Thái Khang, Trưởng ban TT&TT của Báo VietNamNet cùng điều hành buổi tọa đàm.

Nhà báo Thái Khang: Để chúng ta có thể nhìn rõ bức tranh thị trường thiết bị đầu cuối của Việt Nam, tôi mời đại diện các hãng Thế Giới Di Động, Di động Việt, OPPO sẽ cho chúng ta thấy xu hướng chuyển dịch của người dùng từ 2G lên 4G, 5G và mức tăng trưởng thị trường smartphone ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ này sẽ chia sẻ về việc đưa ra những chiếc smartphone “quốc dân” để phổ cập điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh dịch vụ của Thế Giới Di Động: Thế Giới Di Động đã nhận được thông tin của Bộ TT&TT về kế hoạch tắt sóng 2G. Chúng tôi đã chủ động, liên hệ với các hãng, đồng hành cùng các nhà mạng, hỗ trợ các sản phẩm SIM data miễn phí để khách hàng chuyển dịch trong tương lai

Khách hàng sẽ có 2 xu hướng chính, một nhóm điện thoại "cục gạch" 2G sẽ chuyển lên 4G, một nhóm sẽ chuyển lên smartphone. Thế Giới Di Động đang có chiến dịch cụ thể cho khách hàng để họ mang máy đến cửa hàng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thu hồi tiêu huỷ hoặc bán sang thị trường khác. 

Đồng thời, Thế Giới Di Động đã chủ động liên hệ với các nhà sản xuất điện thoại để hỗ trợ cho khách hàng các dòng máy từ 390.000 đồng - 1,5 triệu đồng. Hệ thống cũng có chương trình ưu đãi, hỗ trợ khách hàng chuyển dịch, thay SIM miễn phí, tặng thêm data. 

Với các khách hàng mới sử dụng smartphone, họ thường dùng máy ở mức giá 1,9-5 triệu đồng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ SIM hoặc data miễn phí, cùng chính sách trả góp, thậm chí không cần trả trước. 

Ông Hoàng Ngọc Minh, Di động Việt: Với vai trò là nhà bán lẻ, khi có chủ trương tắt sóng 2G, chúng tôi đã chủ động làm việc với các nhà mạng, đối tác để có hành động cụ thể hỗ trợ người dân, đổi sản phẩm 2G cũ lấy sản phẩm mới. 

Di động Việt có 3 nhóm khách hàng, phần lớn sẽ đổi từ điện thoại 2G cũ lên smartphone phân khúc thấp 4-5 triệu đồng như của Oppo, Xiaomi, nhóm thứ 2 - một số người quen sử dụng điện thoại phím bấm sẽ đổi sang điện thoại 4G tương tự, một nhóm nữa là doanh nhân sử dụng Vertu 2G trước đây sang Vertu 4G chính hãng phân phối tại Việt Nam. 

Ông Vũ Thành Trung, Giám đốc sản phẩm Oppo Việt Nam: Oppo đã hỗ trợ điều này từ lâu, việc tắt sóng 2G là điều tất yếu để nhường chỗ cho các công nghệ khác. Công nghệ AI phát triển cùng công nghệ 5G sẽ mang đến các lợi ích cho người dùng cũng như doanh nghiệp trong thời gian tới.

Oppo đã chuẩn bị các mẫu smartphone dưới 5 triệu đồng, tập trung vào các yếu tố người dùng cần như thiết kế đẹp, pin lớn, sạc nhanh và độ bền cao. Đây được coi là phân khúc vàng và Oppo đã ra mắt nhiều mẫu smartphone với nhiều cấu hình, thiết kế khác nhau có giá bán khoảng từ 2-4 triệu đồng. Việc này giúp người dùng có thể dễ dàng chi tiêu cho một mẫu điện thoại mới và với người dùng đã quen với feature phone cũng có thể chuyển sang smartphone một cách nhanh chóng hơn.

Nhà báo Thái Khang: Chúng ta vừa nghe các đơn vị phân phối chia sẻ về bức tranh toàn cảnh về thị trường thiết bị đầu cuối tại Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi có mời đến tọa đàm ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội vô tuyến điện tử Việt Nam. Xin mời ông chia sẻ quan điểm về việc tắt sóng 2G trên thế giới và tại Việt Nam. Dưới góc nhìn của ông Việt Nam cần lưu ý gì khi tắt sóng 2G?

Doan Quang Hoan.jpg

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử (giữa). Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử: Tắt sóng 2G là một xu hướng tất yếu mang lại lợi ích cho cả nhà mạng, nhà nước và người dân. Ở các nước khác như châu Âu, việc tắt sóng 2G lúc nào là do nhu cầu kinh doanh và nhà mạng quyết định, miễn họ đảm bảo thực hiện được thoả thuận với người sử dụng, cam kết với nhà nước. Chẳng hạn có những nước có 3 nhà mạng thì một đã tắt sóng từ lâu, nhưng có nhà mạng đến 2050 mới tắt sóng.

Ở Việt Nam sẽ khác hơn, việc tắt sóng 2G không chỉ là việc riêng của nhà mạng, mà có phần trách nhiệm của nhà nước và người dân. Tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, giải phóng chi phí bảo trì bảo dưỡng; chỉ có một chút băn khoăn ở các nhà mạng, bởi phân khúc kinh doanh khác nhau, tắt sóng có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh. Đây chỉ là vấn đề nhỏ, quan trọng là nhà mạng có thể đảm bảo sự thông suốt dịch vụ thế nào. Điều quan trọng nhất là người dân phải có smartphone.

Câu hỏi đặt ra là bây giờ thị trường smartphone thế nào? Ở đây người dân phải có smartphone, kèm theo đó là kỹ năng sử dụng, smartphone phải được cung cấp với giá cả cả hợp lý. Nhà nước và nhà mạng phải làm nhiều hơn. Đây không chỉ là câu chuyện tắt sóng 2G, mà còn là chuyển đổi dịch vụ từ chuyển mạch kênh sang chuyển mạch IP.

Việc chuyển đổi đó có đảm bảo tất cả dịch vụ thiết yếu đều thông suốt không? Gọi 113 114 115 không thể gọi thông trên IP, không thể dùng Viber gọi cấp cứu. Đó là những dịch vụ thiết yếu. Nhà nước, nhà mạng phải đảm bảo mọi người dân đều gọi được những số đó. Từ khâu tiêu chuẩn hóa, setup mạng lưới và cung cấp dịch vụ phải làm được việc ấy. Dù khó thế nào vẫn phải tắt sóng 2G, chuyển đổi, nhưng phải quan niệm đó là sự chuyển đổi chứ không phải chỉ “tắt” thuần tuý, chuyển đổi từ chuyển mạch kênh sang IP, chuyển đổi các dịch vụ...

Nhà báo Thái Khang: Tiếp theo tôi xin mời các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ về việc thực hiện tắt sóng 2G theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Quá trình thực hiện, các doanh nghiệp có khó khăn hay kiến nghị gì không?

Le Dac Kien.jpg

Ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám Đốc VNPT VinaPhone. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám Đốc VNPT VinaPhone: VinaPhone xác định đây là việc trước sau cũng phải làm, công ty cũng có lộ trình, nhờ có chính sách của Bộ TT&TT nên chúng tôi đã đẩy nhanh, về mặt mạng lưới đã tăng cường phủ sóng 4G để thay thế. VinaPhone đang có kế hoạch chuẩn bị trạm 4G để thay thế 2G, tôi không dám nói 100% vùng phủ do số lượng trạm cần xây dựng rất nhiều.

Chúng tôi đang dùng tần số 900 phủ rất xa, do ngư dân chỉ dùng feature phone để nhắn tin, nhu cầu của họ chỉ vậy. Khi tắt sóng 2G, một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Về mặt mạng lưới, công nghệ chúng ta đã có lộ trình, chuẩn bị tất cả. VinaPhone đã mua sắm thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 3G, 4G. Người dân hoàn toàn yên tâm do việc trải nghiệm điện thoại đó giống máy feature phone cũ.

Những người chỉ có nhu cầu nghe gọi nhắn tin cũng không gặp vấn đề, chỉ cần chuyển đổi thiết bị. Chúng tôi có chút băn khoăn, VinaPhone cam kết với Bộ TT&TT là đến tháng 9 tất cả khách hàng sẽ chuyển sang 4G. Bây giờ còn khoảng 1,5 triệu khách hàng chưa chuyển đổi, mặc dù đã làm nhiều cách; có một số khách hàng do tâm lý, hoặc do truyền thông không tới, do đó khi tắt sóng 2G một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Chúng tôi mong muốn, nếu trong trường hợp khó khăn quá sẽ cho phép can thiệp kỹ thuật, kéo dài một chút để khách hàng không bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ hỗ trợ thiết bị giá rẻ, gói cước, nhưng cũng rất khó bao được hết tất cả khách hàng, mong Bộ TT&TT có nguồn Quỹ Viễn thông công ích để hỗ trợ thêm.

Hiện tại, chúng tôi mong muốn kiểm soát chặt để tránh thiết bị đầu cuối trôi nổi trên thị trường, chúng ta phải làm đồng bộ từ việc quản lý, chính sách, tiêu chuẩn, thị trường. Về phía VinaPhone, chúng tôi khuyến cáo khách hàng chuẩn bị tâm lý, trước sau cũng phải đổi, khách hàng phải có thiết bị đầu cuối, chuẩn bị kinh phí, nhà mạng sẽ hỗ trợ nhưng không hết tất cả được.

Chúng tôi cũng đã giao nhiệm vụ cho từng địa bàn phải hỗ trợ. Hiện spam lừa đảo nhiều, nhiều khi gọi điện người dân không nghe. Có khi có đối tượng lợi dụng giả danh nhà mạng, nên VinaPhone phải cho nhân viên hẹn gặp trực tiếp người dân để hướng dẫn. Khách hàng có bất cứ khó khăn gì có thể liên lạc với VinaPhone, chúng tôi sẽ tiếp nhận các cuộc gọi phản ánh, tư vấn để khách hàng hiểu.

Toàn hệ thống của VNPT đang vận hành cho việc chuyển đổi này, mong Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ về chính sách, kinh phí, truyền thông, và xem xét việc giãn ra một chút để không ai bị bỏ rơi.

Nhà báo Thái Khang: Trên mạng, nhiều người bán đổ bán tháo điện thoại cục gạch giá rẻ. Mình chặn như nào?

VinaPhone đã triển khai công cụ chặn từ tháng 3/2024. Chúng tôi chặn thiết bị không hợp chuẩn, thiết bị hợp chuẩn thì vẫn cho phép lưu thông. Đến thời điểm 15/9 chúng tôi sẽ xử lý tiếp, công cụ có sẵn rồi, chúng ta ứng xử thế nào thôi. Chúng tôi khuyến cáo, mong muốn khách hàng chuyển đổi lên thiết bị chính thống, để sau khi tắt sóng 2G vẫn sử dụng được.

Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone: Về phía nhà mạng, tỷ lệ người dùng 2G giảm rất nhanh ở MobiFone, giờ còn khoảng dưới 5% khách hàng. Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên smartphone, hỗ trợ gói cước, tham gia cùng các chuỗi bán lẻ thiết bị để hỗ trợ chuyển đổi; triển khai các chương trình hỗ trợ máy feature phone 4G.

Khi khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G, các dịch vụ thiết yếu theo yêu cầu đều sử dụng được mà không bị ảnh hưởng. Nhà mạng cũng thực hiện chủ trương của Bộ TT&TT, tối ưu và tắt dần trạm 2G; tăng cường đầu tư trạm, vùng phủ sóng 4G. Về cơ bản khi triển khai, MobiFone không có nhiều phản ánh từ khách hàng.

MobiFone vừa được Bộ TT&TT cấp băng tần mới và chúng tôi đang tập trung triển khai để nhanh chóng thương mại hóa 5G. Chúng tôi đã triển khai Cloud phone, vì thế khách hàng có thể sử dụng máy với giá thành hợp lý, không cần cấu hình quá mạnh, nhưng vẫn sử dụng được các dịch vụ đòi hỏi cấu hình cao.

Hiện 100% SIM 2G đã chuyển đổi và toàn bộ khách hàng của MobiFone đều đang có SIM 4G. Vì thế, khách hàng chỉ cần có thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G, 4G là có thể sử dụng mà không cần đổi SIM. MobiFone mong cơ quan quản lý nhà nước tăng cường truyền thông việc tắt sóng 2G đến toàn bộ người dân, để họ ý thức được việc này trước ngày 15/9. Nếu họ cứ để đến ngày cuối mới chuyển đổi thì sẽ dẫn đến quá tải.

Quỹ Viễn thông công ích nếu có chương trình hỗ trợ khách hàng, thì nhà nước và doanh nghiệp sẽ cùng chung tay. Vừa qua, MobiFone cũng phối hợp với Sở TT&TT Đà Nẵng tặng điện thoại cho khách hàng, nhưng nguồn lực nhà mạng cũng có hạn, cần sự hỗ trợ của nhà nước.

Chúng tôi xác định đây là việc lớn, ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của người dân, rất mong báo chí hỗ trợ truyền thông sâu rộng để người dùng chủ động trong việc chuyển đổi. MobiFone đang làm hết sức. Với khách hàng có điều kiện, họ có thể chuyển đổi lên smartphone. Với người không có điều kiện kinh tế, họ có thể chuyển sang máy feature phone 4G được hỗ trợ miễn phí. 

Ông Tinhs1.jpg

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom: Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao lớn nhất, nên số lượng thuê bao 2G cũng lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao, con số rất lớn so với các năm trước.

Kết quả này đến từ sự chỉ đạo sát sao của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT). Chúng tôi đã họp thường xuyên với Cục ở mức tuần, phối hợp với các Sở TT&TT, ở cả cấp quận, huyện, xã, với các cơ quan báo chí và nỗ lực của doanh nghiệp, từ đó, tạo ra số lượng chuyển đổi tăng đột biến.

Từ nay tới ngày 15/9, sứ mệnh còn nặng nề. Việc tắt sóng 2G có lợi ích với người dân, nhà mạng. Mục tiêu của Viettel là xóa công nghệ cũ, chuyển sang công nghệ mới.

Chính sách rất quan trọng. Các nhà mạng bắt đầu chặn máy 2G không hợp chuẩn, hợp quy vào mạng. Đến ngày 1/7, Viettel không cung cấp dịch vụ mới cho bất kỳ thuê bao nào dùng máy 2G Only. Chính sách này giúp số lượng thuê bao 2G từ đầu năm nay chỉ còn 1/5 so với các năm trước, giúp thuê bao mới 2G hoà mạng không còn.

Viettel cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ rất mạnh như giám giá máy từ 30-50%. Chúng tôi cũng truyền thông sâu rộng thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, người có uy tín trong cộng đồng. Hằng tuần, chúng tôi tổ chức bán hàng lưu động đến tận cấp xã. Mới đây, chúng tôi có cả điểm hỗ trợ chuyển đổi 24/7.

Trong quá trình làm có rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều lần với tập khách hàng này, nhiều người biết thông tin nhưng chưa ủng hộ, dù chúng tôi đã có chính sách giảm giá.

Với khách hàng Viettel, 70% ở nông thôn, miền núi, đối tượng khó khăn, hộ nghèo nhiều, không có khả năng chi trả nên cũng khó khăn trong việc chuyển đổi.

Từ nay đến tháng 9/2024, việc đảm bảo các thiết bị đầu cuối là khó. Theo khảo sát, các điểm bán hàng đã bán ra khoảng 500.000 máy, một nửa trong đó là smartphone dưới 3 triệu đồng. Nhưng đến tháng 9 năm nay, chúng tôi phải chuyển đổi 5-6 triệu thuê bao nữa, năng lực cung cấp thiết bị của thị trường không đủ.

Tôi có đề xuất các nhà cung cấp nâng sản lượng máy, đây là yếu tố quyết định việc chuyển đổi 2G có thành công hay không. Mong các chuỗi cung cấp thiết bị đầu cuối đảm bảo số lượng thiết bị để hỗ trợ người dùng.

Công tác truyền thông đã rất tốt rồi, nhưng cách tiếp cận thông tin đâu đó vẫn có những ngờ vực nhất định, do vậy, cần phải tăng cường vận động người dân. Tại nhiều địa phương, chúng tôi vận động cán bộ xã, chính quyền cùng tham gia vào việc tuyên truyền người dân chuyển đổi. Trong thời gian tới, Viettel sẽ đề xuất, phối hợp và hỗ trợ kinh phí để các chuỗi bán lẻ di động tham gia vào việc chuyển đổi cùng nhà mạng, nhằm huy động thêm nguồn lực xã hội.

Đối với vấn đề cuộc gọi VoLTE, khi tắt 2G chỉ còn VoLTE, để có chất lượng trải nghiệm tốt, các nhà mạng cần đầu tư thêm. Hiện Viettel sẵn sàng đáp ứng được khoảng 40 triệu cuộc gọi VoLTE. Về vùng phủ, chúng tôi cố gắng, từ ngày 15/9, vùng phủ 4G tương đương 2G để đảm bảo chất lượng mạng lưới. Chúng tôi cam kết đến ngày 15/9 sẽ không còn thuê bao 2G, kể cả còn thuê bao sẽ cắt dịch vụ. 

Ông Đặng Đăng Tùng, Trưởng phòng phát triển thuê bao Vietnamobile: Chúng tôi đã thực hiện đồng bộ 3 giải pháp để tiến tới loại bỏ thuê bao 2G. Về hạ tầng, Vietnamobile đã chủ động tắt các trạm 2G, nhất là các trạm có lưu lượng thấp. Đối với giải pháp kinh doanh, chúng tôi đã đưa ra các gói cước, phối hợp với kênh phân phối, điểm bán để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi. Cùng với đó, các giải pháp về truyền thông cũng đã được triển khai qua việc nhắn tin tới tất cả các khách hàng. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc nhà mạng ảo VNSKY: VNSKY là nhà mạng mới tham gia vào thị trường. Ngay từ đầu chúng tôi đã tập trung vào các khách hàng trẻ. Do vậy, khách hàng của chúng tôi là tập khách hàng trẻ, sử dụng smartphone. 

VNSKY cũng đang tuân thủ, thực hiện theo chỉ đạo, quy định về việc ngăn chặn các thiết bị mới 2G Only gia nhập mạng. Các thuê bao 2G của VNSKY hiện không đáng kể, chỉ dưới 100 thuê bao. Đây là điều rất thuận lợi để chúng tôi hỗ trợ khách hàng chuyển đổi. 

Sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ, Cục, VNSKY đã nhắn tin, gọi điện trực tiếp để thông báo tới khách hàng, đồng thời đang phối hợp với Hoàng Hà Mobile để người dùng đổi máy, trong đó, VNSKY sẽ tặng người dùng 6 tháng gói cước dịch vụ khi người dùng chuyển đổi thành công.

Nhà Báo Thái Khang: Feature phone 4G là thị trường lớn nhưng cũng rất đặc biệt. Đại diện của Viettel Telecom có nêu ra lo ngại về số lượng 5 triệu máy là rất lớn, liệu các nhà bán lẻ có khả năng cung ứng đủ nhu cầu thị trường hay không?

Ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh dịch vụ của Thế Giới Di Động: Với vai trò là nhà bán lẻ, công ty luôn hướng tới cung cấp sản phẩm nhanh nhất, tốt nhất cho khách hàng. 

Hiện tại, chuỗi cửa hàng vẫn đang bán feature phone 4G. Doanh số của loại điện thoại này vẫn chiếm từ 10-15% trên tổng số hơn 500 nghìn máy bán ra mỗi tháng, tương đương khoảng 70 nghìn máy. 

Điều này cho thấy xu hướng sử dụng máy phím bấm 4G của người dân vẫn còn rất lớn, mặc dù chúng ta đang sử dụng 4G chủ yếu trên các smartphone.

Với máy feature phone 4G, hiện trong nước chỉ có một số nhà sản xuất chính là Nokia, SmartTell, iTell và Mobell. Trong khi đó, Oppo, Xiaomi đã chuyển dịch lên smartphone 4G. Ngoại trừ Nokia thì 3 nhà cung cấp còn lại khó có thể đáp ứng số lượng. Do đó, chúng ta cần lộ trình cụ thể để khách hàng chuyển dịch.

Về phía Thế Giới Di Động, hằng tháng chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70.000 máy bán ra. Nếu yêu cầu số lượng lớn hơn và trong thời gian ngắn thì nhà bán lẻ cũng không thể đáp ứng.

Ông Hoàng Ngọc Minh, Di động Việt: Chúng tôi đã bám sát chủ trương tắt sóng 2G từ ngay sau đại dịch. Công ty đã phối hợp với MobiFone triển khai hỗ trợ người dân đổi điện thoại thông qua trả góp, và tặng SIM 4G.

Trong tương lai, Di Động Việt tiếp tục đồng hành cùng các nhà bán lẻ khác, các nhà sản xuất để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Nhà báo Thái Khang: Chúng ta vừa nghe ý kiến tham luận của các hãng sản xuất, nhà bán lẻ, nhà mạng, chuyên gia xoay quanh vấn đề tắt sóng 2G. Các nhà mạng cũng đã có ý kiến, kiến nghị xoay quanh vấn đề tắt sóng 2G. Xin mời Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ về những vấn đề từ góc nhìn cơ quan quản lý nhà nước?

Nguyen Phong Nha.jpg

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT). Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT): Buổi tọa đàm hôm nay chủ yếu dành để truyền thông, chính sách quan trọng với người sử dụng. Với câu hỏi ‘Người dân cần chuẩn bị gì?’, chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất khi tiếp cận vấn đề mới là thông tin. Khi thông tin đầy đủ, ý nghĩa của chuyển đổi được hiểu rõ, sẽ được sự đồng thuận của người sử dụng. Người dùng điện thoại 2G ở vùng sâu vùng xa, những người dùng điện thoại 2G trong thời gian dài... vẫn còn áy náy trong quá trình chuyển đổi.

Khi người sử dụng còn e ngại, đồng nghĩa việc truyền thông còn chưa đầy đủ. Các doanh nghiệp với mục tiêu đồng thuận cùng nhau xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G, đã ra quyết định dừng vào ngày 15/9/2024, các thuê bao sử dụng công nghệ 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ nữa. 

Người sử dụng có cơ hội sử dụng các điện thoại 4G phím bấm với chất lượng tốt hơn về mặt thoại, bởi lẽ thoại trên nền tảng 4G tốt hơn trên nền tảng 2G. Người sử dụng vẫn duy trì được toàn bộ các dịch vụ thường xuyên, không có bất kỳ sự thay đổi nào.

Những e ngại về chất lượng vùng phủ, tất cả nhà mạng đều có trách nhiệm cho người sử dụng và cho bản thân mạng lưới của mình là cung cấp vùng phủ tương đương, thậm chí tốt hơn. Thứ hai, với các dịch vụ truyền thống vẫn được duy trì ổn định, không có xáo trộn.

Với người dùng 2G chuyển sang điện thoại thông minh 4G, đây là cơ hội trải nghiệm dịch vụ mới. Các dịch vụ từ trước đến nay chưa được dùng, người sử dụng có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ hành chính công của Nhà nước từ ứng dụng trên smartphone thay vì vào website. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới. 

Việc dừng công nghệ 2G là cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số. Những đối tượng sử dụng ở các thành phố lớn, thị trấn, thị xã, tiếp nhận thông tin đầy đủ và tương đối sẵn sàng chuyển sang smartphone. Nhưng với những người vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người già, trẻ em, những người không có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ như lớp trẻ, công tác truyền thông của nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thuộc Bộ cần được tăng cường.

Các doanh nghiệp đã có những giải pháp truyền thông rất tốt. Chẳng hạn, Viettel truyền thông cá thể hóa đến đối tượng ở vùng sâu vùng xa; MobiFone có giải pháp nhạc chờ: khi thuê bao 2G nhận cuộc gọi hay thực hiện cuộc gọi đi đều có thông báo liên quan của nhà mạng về dừng 2G, đầu số hỗ trợ, giải pháp hỗ trợ; VinaPhone có những chính sách hỗ trợ cả máy, truyền thông qua người dùng. 

Trong thời gian tới để cung cấp thông tin đầy đủ nhất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt nhất, đề nghị doanh nghiệp truyền thông bằng các phương tiện mạnh mẽ hơn, và trao đổi kinh nghiệm với nhau để cùng truyền thông đến tập khách hàng từ nay đến ngày 15/9, để có thông tin đầy đủ.

Về thiết bị đầu cuối, hỗ trợ cho người dùng sau khi thông tin đã đầy đủ: Đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, việc đổi máy dù mấy trăm nghìn đồng cũng là vấn đề lớn. Các nhà mạng cũng đã có giải pháp, dù không thể hỗ trợ 100% số máy cho người dùng, nhưng với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, Bộ TT&TT cũng đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các Sở TT&TT đề xuất với UBND sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng hỗ trợ. Một số tỉnh đã triển khai nội dung này.

Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp tiếp tục dựa trên dữ liệu thuê bao để phân tích được các đối tượng sử dụng ở khu vực chưa tiếp cận được thông tin, việc đổi máy còn là vấn đề. Chúng ta sẽ có hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để người sử dụng được bảo đảm quyền lợi. Từ đó, nhà mạng cũng tăng vị thế, uy tín khi cung cấp dịch vụ quan trọng, cơ bản đến người dùng, cũng như đảm bảo uy tín trong suốt thời gian cung cấp dịch vụ vừa qua. Đây cũng là cơ hội để nhà mạng truyền thông về dịch vụ mới với người sử dụng.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, tắt sóng 2G là chủ đề quan trọng, mong muốn báo chí đồng hành cùng Bộ TT&TT, nhà mạng để truyền thông chính sách này, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Mong rằng các phóng viên thu lượm ý kiến phản hồi của người sử dụng, khó khăn trong quá trình chuyển đổi của người dùng để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý giải đáp đầy đủ hơn.

Cùng với các giải pháp truyền thông, đề nghị nhà mạng chú trọng nâng cao số lượng kênh truyền thông, số điện thoại truyền thông, điện thoại viên kể cả tự động lẫn nhân công để thông tin tới người dùng, thông tin các số điện thoại hỗ trợ khách hàng đến người sử dụng để có kênh chính thức hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn. 

Để người sử dụng hiểu dịch vụ tường tận trước khi tham gia, nhất là ứng dụng trên smartphone, đề nghị các nhà mạng hướng dẫn, kênh bán hàng, doanh nghiệp cung cấp đầu cuối, có hinh thức truyền thông đơn giản, dễ hiểu các nguy cơ khi sử dụng ứng dụng trên smartphone, tránh trường hợp gặp khó khăn, khúc mắc trong quá trình sử dụng thì người dùng sẽ rất khó tiếp cận.

Chúng tôi xin chia sẻ thêm một số hoạt động dừng công nghệ 2G trên thế giới: Hiện nay 77 nước đã có kế hoạch dừng công nghệ 2G, 3G, đa phần đều dừng vào 2028, chỉ có hai nước dự kiến dừng 2030. Trong đó, 37 nước đã hoàn toàn dừng công nghệ 2G. Điều này cho thấy, việc chúng ta cùng nhau xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G vào 2024, sau đó tắt toàn bộ mạng vào 2026 và dừng 3G vào 2028 là đi đúng xu hướng của thế giới. 

Trong bối cảnh tất cả nhà mạng đang nỗ lực triển khai 5G, việc nhiều công nghệ cùng hoạt động sẽ tạo ra chi phí lớn cho các nhà mạng. Việc dừng công nghệ 2G giúp các nhà mạng hiệu quả hơn trong việc khai thác mạng lưới, giảm tốn kém, tăng hiệu quả sử dụng tần số, nhà trạm, nguồn điện…

Ở Việt Nam, việc dừng 2G/3G đã được truyền thông về chính sách, chủ trương từ nhiều năm. Nhưng đến nay, vào giai đoạn cuối cùng, vẫn còn một số lượng tương đối lớn khoảng 11 triệu thuê bao 2G, dù trong những tháng qua tốc độ giảm rất nhanh. 

Từ nay đến tháng 9, cần có sự quyết tâm cao độ hơn, vào cuộc mạnh mẽ hơn của các nhà mạng, truyền thông của phóng viên. Bộ TT&TT đã có công văn, yêu cầu đối với các Sở TT&TT, UBND các tỉnh, thành phố, thông qua các hệ thống thông tin cơ sở, đài truyền thanh không dây để các nhà mạng truyền thông đến người sử dụng.

Đối với việc đưa ra chính sách không cho thuê bao 2G lưu thông trên thị trường, đề nghị các nhà mạng chặn thuê bao 2G không hợp chuẩn, hợp quy vào mạng. Để người dùng hiểu được nội dung này, không phải một sớm một chiều, trong bối cảnh người bán lẻ điện thoại đầu cuối, hàng tồn kho thiết bị đầu cuối 2G, từ góc độ kinh doanh, các kênh bán hàng chắc chắn sẽ tiếp tục giảm giá để thu hồi vốn.

Đây cũng là một nội dung mà tôi mong muốn cơ quan báo chí, nhà mạng truyền thông đến người sử dụng, không vì tham rẻ, chưa hiểu tường tận sản phẩm mà mua hàng. Một số nhà mạng cương quyết chặn nhưng một số nhà mạng vì quyền lợi khách hàng vẫn cho hòa mạng vài tháng rồi lại có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi, mất công cho người sử dụng, ảnh hưởng đến dịch vụ.

Việc chuyển đổi SIM các nhà mạng đang thực hiện tốt. Có những nhà mạng đã chuyển đổi 100%, tính sẵn sàng về mạng lưới, cung cấp dịch vụ rất tốt. 

Về mạng lưới, Bộ TT&TT đã sẵn sàng về mặt tài nguyên cho các nhà mạng trong việc cấp phép lại băng tần 900MHz, 1800MHz, 2100 MHz vào tháng 9 này với điều kiện nghiêm khắc: Nếu nhà mạng còn thuê bao 2G trên mạng, không có kế hoạch cụ thể dừng hết thuê bao 2G thì không được cấp phép. Từ phía nhà mạng, tôi nghĩ rằng sẽ thực hiện nghiêm túc nội dung này.

Các nhà mạng đang thực hiện quyết liệt việc đầu tư nâng cấp mạng lưới 4G, có chất lượng, đảm bảo vùng phủ cho người sử dụng. Các cam kết của nhà mạng về chất lượng dịch vụ, về mặt kỹ thuật, kinh doanh, phối hợp với các kênh chuỗi bán hàng, cung cấp dịch vụ đầu cuối... sẽ đảm bảo tính sẵn sàng cho người sử dụng mong muốn chuyển đổi.

Về mặt tác động, với cơ quan quản lý nhà nước, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng viễn thông có công nghệ tiên tiến, sẵn sàng đáp ứng dịch vụ của các bộ, ngành khác, người sử dụng trên toàn quốc mong muốn chuyển đổi sang nền xã hội số, kinh tế số. Viễn thông luôn là hạ tầng đi trước, đảm bảo sẵn sàng cho các dịch vụ.

Từ góc độ quản lý nhà nước, mục tiêu của Bộ TT&TT là cùng Chính phủ xây dựng xã hội số, Chính phủ số, đưa người dân lên môi trường mạng. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của người sử dụng, doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách và cam kết tiếp tục truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua cơ quan báo đài, phương tiện thông tin cơ sở để chung tay cùng các doanh nghiệp truyền thông việc này đến người sử dụng.

Mong các doanh nghiệp tiếp tục dành nguồn lực xứng đáng để truyền thông chính sách, xây dựng mạng lưới đảm bảo cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi công nghệ 2G sang 4G, đảm bảo thuê bao của  mình có cơ hội sử dụng công nghệ mới.

Mong các nhà mạng ảo - MVNO nghiêm túc thực hiện và các nhà mạng chính thông qua hợp đồng đảm bảo các doanh nghiệp MVNO không phát triển thuê bao 2G và có chính sách chuyển đổi cho thuê bao 2G. Với người sử dụng, cần tiếp tục tìm hiểu thấu đáo về công nghệ, sản phẩm mới, chung tay với các doanh nghiệp cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục xây dựng mạng viễn thông hiện đại, an toàn có nhiều trải nghiệm với các dịch vụ mới.

Chúng tôi cảm ơn các doanh nghiệp, nhà mạng đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong truyền thông chính sách, hy vọng nhận được ý kiến của người sử dụng, doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách. Chúng tôi có một sáng kiến là khi dừng công nghệ 2G, mong người dùng xử lý rác thải điện tử văn minh, đề nghị doanh nghiệp bán thiết bị đầu cuối thu hồi, xử lý rác thải công nghiệp, rác thải điện tử.

Việc thu hồi cũng góp phần làm cho các thuê bao 2G không hòa mạng được nữa. Người sử dụng ý thức được rác thải điện tử có hệ lụy của nó. Nhà mạng tăng cường truyền thông với người dùng, làm việc với kênh, chuỗi bán hàng, thu hồi rác thải điện tử để hình thành môi trường xanh.

Chúng tôi mong nhận được phản ánh của người sử dụng thông qua phóng viên, báo chí để tiếp tục truyền thông chính sách đến người sử dụng. Mong sự chung tay của người sử dụng, của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu cuối, vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan truyền thông, báo chí, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT cũng sẽ hoàn thành mục tiêu của chính sách dừng công nghệ 2G, 3G trong thời gian tới.

Nhà báo Thái Khang: Lãnh đạo Bộ TT&TT đã giao Cục Viễn thông phối hợp Báo VietNamNet và Cục Thông tin cơ sở để đưa thông tin, truyền thông về tắt sóng 2G đến tận các thôn, bản. Trong đó, vai trò của Cục Thông tin cơ sở là rất lớn. Xin Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở Ngô Thanh Hiển chia sẻ việc truyền thông tắt sóng 2G đến người dân tận làng xã, thôn bản sẽ được triển khai thế nào?

Ngo Thanh Hien.jpg

Ông Ngô Thanh Hiển. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Ông Ngô Thanh Hiển: Cục Thông tin cơ sở đã tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành Nghị định 49 quy định về hoạt động thông tin cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Nghị định này chỉ rõ “Thông tin cơ sở là thông tin thiết yếu được truyền tải trực tiếp đến người dân thông qua các loại hình thông tin, bao gồm: Đài truyền thanh cấp xã; Bảng tin công cộng; Bản tin thông tin cơ sở; Tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở; Tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở; Cổng hoặc trang thông tin điện tử; Mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trên Internet; Tin nhắn viễn thông”. Như vậy, có 8 loại hình thông tin cơ sở thực hiện thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến người dân. 

Với nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ chủ trương tắt sóng 2G của Chính phủ, Bộ TT&TT, để thực hiện tốt được công tác này, Cục Thông tin cơ sở cũng đã tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT về kế hoạch tổ chức thông tin tuyên truyền đến người dân. Cụ thể, ngay trong tháng 7 này, Cục Thông tin cơ sở sẽ phối hợp với lực lượng thông tin cơ sở tại các địa phương để tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác trên địa bàn.

Cụ thể, chúng tôi sẽ gửi các tài liệu tuyên truyền về tắt sóng 2G tới hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, tuyên truyền viên cơ sở. Theo thống kê, trên cả nước hiện có khoảng 220.000 tuyên truyền viên cơ sở. Đây là lực lượng rất nhanh và hiệu quả trong việc truyền tải các thông tin đến tận từng người dân. Lực lượng này cũng sẽ được huy động vào công tác truyền thông chủ trương tắt sóng công nghệ cũ 2G.

Bên cạnh đó, một nội dung nữa chúng tôi cũng sẽ triển khai từ tháng 7/2024, đó là triển khai thiết lập, đưa vào sử dụng kênh Zalo OA thông tin cơ sở. Mục tiêu đặt ra là ngay trong năm nay sẽ hoàn thành thiết lập 100% mạng lưới tài khoản Zalo OA đến tất cả các xã phường trên toàn quốc. Đây cũng sẽ là một kênh thông tin cơ sở đưa thông tin trực tiếp, hiệu quả đến người dân về tắt sóng 2G.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị để triển khai, thúc đẩy các kênh thông tin tuyên truyền khác nhằm đưa thông tin đến người dân, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thành công chủ trương tắt sóng 2G.

Nhà báo Nguyễn Hoài, báo Tiền Phong: Trong thông tin công bố thời gian trước, Bộ TT&TT cho biết để hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam sẽ hỗ trợ 400.000 máy smartphone cho người dân. Xin đại diện Cục Viễn thông, Quỹ Viễn thông Công ích Việt Nam cập nhật thông tin về chính sách hỗ trợ này tính đến thời điểm hiện tại?

Nhà báo Thái Khang: Chúng tôi có nhận được một số câu hỏi của độc giả gửi về, họ muốn được thông tin về việc cơ quan nhà nước sẽ đảm bảo các cuộc gọi thiết yếu thế nào khi thực hiện tắt sóng 2G? Thứ hai là kỹ năng, Bộ TT&TT đã tính đến chuyện đào tạo kỹ năng cho người dân khi chuyển đổi từ 2G lên 4G, 5G hay chưa?

Ông Nguyễn Phong Nhã: Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 vẫn có nội dung hỗ trợ 400.000 smartphone cho người sử dụng thuộc các hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, dự thảo Nghị định hướng dẫn về viễn thông công ích đang được trình Chính phủ. Sau khi Nghị định được ban hành, chương trình hỗ trợ smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến cũng sẽ được triển khai ngay.

Liên quan đến việc đảm bảo các cuộc gọi thiết yếu và đào tạo kỹ năng cho người dân, như tôi đã chia sẻ, lộ trình dừng công nghệ 2G được thực hiện theo 2 giai đoạn, cụ thể: Đến tháng 9/2024, sẽ không cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2G Only nữa, nhưng mạng lưới 2G vẫn được duy trì đến tháng 9/2026 để làm một số nhiệm vụ. Đó là, phục vụ kết nối máy với máy, các thuê bao sử dụng điện thoại 4G nhưng chưa hỗ trợ cuộc gọi VoLTE hoàn toàn, sẽ dùng mạng 2G này để thực hiện cuộc gọi và nhắn tin như bình thường, đảm bảo chất lượng cho người sử dụng. Với các cuộc gọi thiết yếu, các nhà mạng đều đảm bảo tiếp tục duy trì, không có bất kỳ gián đoạn nào.

Về kỹ năng chuyển đổi cho người sử dụng, chúng tôi nhận định đây là một nội dung quan trọng, cần có sự chung tay giữa nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị đầu cuối cũng như cơ quan chức năng. Chúng tôi đã có sáng kiến đề nghị các nhà mạng thiết kế các tờ rơi, cẩm nang hướng dẫn đơn giản để truyền thông trên các phương thức khác nhau tới người sử dụng. Chúng tôi cũng mong rằng, các nhà mạng sẽ chú trọng hơn trong việc hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh. 

Nguyen Duc Thong.jpg

Ông Nguyễn Đức Thông, Phó Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Đức Thông, Phó Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam: Chính sách hỗ trợ 400.000 smartphone cho người nghèo vẫn còn, chưa thực hiện được là do điện thoại thông minh trong chương trình này là để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và hỗ trợ người dân chuyển đổi số trước đây. Sau đó, Bộ TT&TT thấy nguồn quỹ này có thể thực hiện hỗ trợ cho việc tắt sóng 2G nên chuyển sang. 

Hiện theo thống kê, chúng ta có 1,9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, như vậy với số lượng trên chỉ hỗ trợ được 20%. Tuy nhiên, các hộ này phải chưa được hỗ trợ máy tính bảng trước đây trong các chương trình hỗ trợ học sinh học trực tuyến và người dân chuyển đổi số, vì thế cần có thời gian để rà soát. Ngoài ra còn phải có sự bình bầu để chọn đối tượng nhận hỗ trợ tại các địa phương. Với số tiền 500.000 đồng mỗi máy thực tế cũng không đủ mua máy cho người dân, mà chỉ hỗ trợ được một phần nào đó. 

Trước khó khăn này, Bộ TT&TT đã đề nghị Chính phủ chuyển nguồn tiền dùng để mua máy tính bảng trong các chương trình ở trên sang mua điện thoại thông minh. Hiện vẫn đang trong khâu giải trình và cần có thời gian. Đến khi có đủ khung pháp lý để thực hiện chính sách hỗ trợ tới người dân, việc triển khai sẽ được thực hiện.

Nhà báo Thái Khang: Có nhiều ý kiến muốn được đại diện Cục Viễn thông chia sẻ thêm về lộ trình tắt sóng 3G tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Phong Nhã: Trong quá trình xây dựng chính sách, tất cả các nhà mạng cùng trao đổi với chúng tôi và đều thấy rằng xu hướng của thế giới là sẽ dừng các công nghệ cũ 2G, 3G. Tuy nhiên, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, sao cho ảnh hưởng tác động đến người sử dụng ít nhất có thể, các công nghệ nên có lộ trình chuyển đổi mềm, được chuyển qua các giai đoạn. 

Cụ thể, công nghệ 2G sẽ được ngừng theo 2 giai đoạn. Còn với công nghệ 3G, người dùng vẫn có thể sử dụng, nhưng thời hạn sử dụng cuối cùng của công nghệ này cũng chỉ là đến tháng 9/2028. Ngoài Viettel đã ngừng 3G, các nhà mạng khác như VinaPhone, MobiFone đi theo hướng là chỗ nào lưu lượng 3G không còn, thuê bao đầu cuối 3G không còn trên mạng thì họ sẽ dừng phát sóng ở khu vực đó; nhưng vẫn duy trì công nghệ 3G của mình để đảm bảo người sử dụng đang có thiết bị đầu cuối 3G, hay đang dùng thiết bị 4G không có VoLTE thì vẫn có thể sử dụng mạng.

Tuy nhiên, rõ ràng việc cùng xây dựng một chính sách dừng các công nghệ cũ 2G, 3G đồng hành với nhau, và có một khoảng thời gian duy trì tương đối dài, từ nay đến năm 2028, sẽ tạo điều kiện để người dùng có bước chuyển đổi sang công nghệ 4G một cách từ từ. Điều này cũng tạo điều kiện để các nhà mạng có thời gian bố trí nguồn lực, đầu tư và tối ưu mạng lưới, chuyển đổi các thuê bao của mình sang công nghệ 4G. Chính sách này đã nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà mạng. Tôi hy vọng lộ trình chuyển đổi sẽ được thực hiện thành công.

Nhà báo Đăng Khoa, Viettimes: Tôi xin hỏi Cục Viễn thông và các nhà mạng, tới thời điểm tháng 9, liệu có xảy ra tình trạng thuê bao 2G dồn dập chuyển đổi gây ra nghẽn mạng hay nghẽn liên lạc hay không?

Ông Nguyễn Phong Nhã: VinaPhone sẽ đầu tư 55.000 trạm BTS từ nay đến tháng 9, MobiFone, Viettel cũng đầu tư rất lớn. Trên thực tế, các nhà mạng đã đầu tư lớn về nguồn lực, con người, chất lượng. 

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, việc chuyển đổi phải đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho người sử dụng, hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp. Với những quy chuẩn chất lượng đã ban hành, người dùng có thể yên tâm về chất lượng dịch vụ. 

Ông Lê Đắc Kiên: Sẽ không có vấn đề gì lớn xảy ra, do nhóm khách hàng này nhu cầu sử dụng cũng không nhiều. VinaPhone sẽ cố gắng để vùng phủ 4G không kém hơn vùng phủ 2G.

Ông Bùi Sơn Nam: Khi tắt sóng 2G, khách hàng chỉ cần đổi thiết bị đầu cuối sang thiết bị 3G là có thể sử dụng bình thường. Nhu cầu của nhóm người dùng này chủ yếu là nghe gọi, khi dùng dịch vụ OTT, tải về thoại thậm chí còn giảm đi. Tuy vậy, có một thực tế là sản lượng thoại và SMS đang giảm. Nếu người dùng chuyển đổi, MobiFone hoàn toàn đảm bảo chất lượng mạng lưới có thể đáp ứng đủ, chỉ cần người dùng có thiết bị là có thể sử dụng. 

Ông Nguyễn Trọng Tính: Chúng tôi cũng lường trước chuyện này. Tháng 6 năm nay chúng tôi đã cắt thử ở 14 huyện, việc tắt sóng 2G trên mạng Viettel sẽ diễn ra theo lộ trình, và dự kiến đến tháng 9 sẽ chỉ còn khoảng hơn 1 triệu thuê bao 2G. Chúng tôi dự đoán không có hiện tượng nghẽn mạng vào tháng 9 tới, nếu có thì không đáng kể. 

Ông Nguyễn Phong Nhã: Cục Viễn thông mong tiếp tục nhận được góp ý, phản ánh, đóng góp của người sử dụng qua các cơ quan báo chí; đồng thời chúng tôi cũng mong người dùng xử lý rác thải điện tử khi tắt sóng 2G một cách văn minh. Việc thu hồi rác thải điện tử là điện thoại 2G cũng giúp các thuê bao không hoạt động trở lại được nữa, đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường. 

Nhà báo Thái Khang: Qua 3 tiếng, tọa đàm đã nói đến nhiều vấn đề liên quan đến việc tắt sóng 2G. Sau buổi tọa đàm này, mong các doanh nghiệp viễn thông, nhà bán lẻ, đối tác phối hợp nhiều hơn nữa với VietNamNet để truyền thông việc tắt sóng 2G tới người dân, đảm bảo việc chuyển đổi diễn ra thuận lợi nhất.

Theo Vietnamnet