Tàu chở dầu 150.000 tấn có nguy cơ chìm ngoài khơi Yemen

13/07/2020 - 13:44

Một con tàu chứa 150.000 tấn dầu thô bị bỏ hoang ngoài khơi Yemen đang bị rò rỉ và có thể chìm xuống biển bất cứ lúc nào.

Con tàu chở 150.000 tấn dầu được kiểm soát bởi lực lượng Houthi. Ảnh: AP

Theo trang Arab News, con tàu tàu FSO Safer 45 năm tuổi đã neo đậu ngoài khơi cách bờ biển Yemen 7 km từ năm 1988. Hiện Safer đang bị bỏ hoang, không có động cơ hay phương tiện đẩy. Con tàu này được kiểm soát bởi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn từ tháng 3/2015, vào thời điểm họ nắm quyền kiểm soát bờ biển xung quanh thành phố cảng Hodeidah.

Ngoài ăn mòn, việc bảo trì thiết yếu như giảm khí nổ trong thùng dầu đã bị “lãng quên” suốt nhiều năm. Chính phủ Yemen đã cảnh báo Safer có thể nổ tung bất cứ lúc nào và gây thảm họa môi trường “lớn nhất cho khu vực và toàn cầu”.

Trục trặc gần đây nhất xảy ra hồi tháng 5 khi đường ống làm mát của con tàu bị rò rỉ. “Khi đường ống này bị vỡ, nước sẽ tràn vào khoang kỹ thuật và tạo ra một tình huống vô cùng nguy hiểm”, ông Ian Ralby, Giám đốc Điều hành của Tổ chức cố vấn hàng hải I.R. Consilium, nói.  

Bà Lise Grande, Điều phối viên nhân đạo Liên hợp quốc tại Yemen, cũng cho rằng nếu con tàu bị chìm, hai thảm họa sẽ xảy ra.

“Điều này có thể dẫn đến một thảm họa môi trường lớn hơn bất kỳ thảm họa nào khác. Đồng thời, nó cũng gây ra một thảm họa nhân đạo vì dầu tràn ra sẽ khiến mọi hoạt động tại cảng Hodeidah bị đình trệ”, bà Lise nhấn mạnh.

Cuối cùng, lực lượng Houthi tại Yemen đã đồng ý để Liên hợp quốc tiếp cận chiếc tàu chở dầu đang có nguy cơ rò rỉ 1,4 triệu thùng dầu thô (khoảng 150.000 tấn) ra Biển Đỏ. Các kỹ sư từ từ một nhóm đánh giá của Liên hợp quốc dự kiến sẽ lên con tàu FSO Safer trong vài ngày tới để đánh giá hiện trạng và tiến hành sửa chữa khẩn cấp.

Trước đó, lực lượng Houthi đã từ chối cho phép các kỹ sư quốc tế lên tàu sửa chữa các động cơ chính. Khi con tàu xuống cấp trầm trọng, có nhiều lo ngại cho rằng hàng trăm nghìn tấn dầu trong đó sẽ bị rò rỉ. Điều này sẽ gây ra thảm họa kinh hoàng đối với sinh vật biển và hàng chục nghìn người sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá để kiếm sống trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng lực lượng Houthi đã lợi dụng tàu Safer để đe dọa Chính phủ hợp pháp của Yemen, đòi nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian. Đồng thời, họ muốn bán dầu trên boong để trả tiền lương cho các tay súng của mình.

Tuy nhiên, Thủ tướng Yemen Maeen Abdulmalik Saeed muốn số tiền bán dầu được dùng vào việc chăm sóc sức khỏe và viện trợ nhân đạo.

Trữ lượng dầu thô trong tàu Safer trị giá khoảng 40 triệu USD, chỉ bằng một nửa thời điểm trước khi bị phá giá. Các chuyên gia nhận định lượng dầu này có thể có chất lượng kém và không còn giá trị.

Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)