Tàu cứu hộ giải cứu hơn 600 người di cư lênh đênh trên Địa Trung Hải

12/08/2023 - 13:50

Trong 15 chiến dịch, Tổ chức SOS Mediterranee đã giải cứu được 623 người di cư, phần lớn đến từ Sudan, trong khi những người còn lại đến từ Guinea, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Benin và Bangladesh.


Người di cư băng qua Eo biển Manche để tới cảng Dover, Anh ngày 4/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/8, Tổ chức SOS Mediterranee cho biết Tàu cứu hộ Ocean Viking đã giải cứu được hơn 600 người di cư đang lênh đênh trên Địa Trung Hải hai ngày qua.

Các hoạt động giải cứu diễn ra tại khu vực phía Tây Nam của đảo Lampedusa (Italy), ở vùng biển giữa đảo này và Tunisia.

Người phát ngôn của SOS Mediterranee cho hay kể từ sáng 10/8, tổ chức này đã giải cứu được 623 người di cư trong 15 chiến dịch. Phần lớn người di cư đến từ Sudan, trong khi những người còn lại đến từ Guinea, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Benin và Bangladesh.

Một nhóm trong số này được đưa tới đảo Lampedusa, trong khi nhóm còn lại được đưa tới cảng Civitavecchia, phía Tây Bắc thủ đô Rome.

Trong quá trình giải cứu, thủy thủ Tàu Ocean Viking đã nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế.

Khu vực trung tâm của Địa Trung Hải là tuyến đường vượt biển nguy hiểm nhất trên thế giới đối với người di cư.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, trong năm nay, ít nhất 1.848 người đã thiệt mạng khi tìm cách từ Bắc Phi qua Địa Trung Hải đến Italy và Malta. Con số này cao hơn mức 1.417 người thiệt mạng trong cả năm 2022.

Cùng ngày, hãng thông tấn Maroc (MAP) đưa tin hải quân nước này đã giải cứu hơn 60 người di cư tại khu vực Nam Sahara của châu Phi, khi thuyền chở người di cư gặp trục trặc trên biển Đại Tây Dương, ngoài khơi thị trấn Tarfaya.

Nguồn tin quân đội cho biết một đơn vị Hải quân Hoàng gia Maroc đã tiếp cận chiếc thuyền chở 67 người di cư đang tìm cách đến châu Âu tại khu vực cách thị trấn Tarfaya 100 km về phía Bắc. Trong số những người được giải cứu có 1 phụ nữ và 3 trẻ em. Họ đã được sơ cứu trước khi đưa tới cảng Laayoune tại khu vực Tây Sahara để xét duyệt thủ tục.

Nhà chức trách Maroc cho hay đã chặn đứng 26.000 trường hợp di cư bất thường trong 5 tháng đầu năm nay.

Số vụ vượt biển qua Đại Tây Dương bắt đầu tăng từ cuối năm 2019 sau khi việc gia tăng tuần tra dọc bờ biển Nam Âu đã giúp giảm đáng kể số vụ vượt biên qua Địa Trung Hải. Hoạt động di cư qua quần đảo Canary đã gia tăng trong những tuần qua./.

Theo ĐẶNG ÁNH (TTXVN/Vietnam+)