Tàu Thường Nga 5 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng

03/12/2020 - 15:26

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tàu thăm dò Thường Nga 5 của nước này đã hạ cánh thành công xuống Mặt trăng để thực hiện sứ mệnh lịch sử lấy các mẫu đá trên bề mặt Mặt trăng mang về Trái đất.

Mô phỏng trạm đổ bộ của tàu Thường Nga 5 hoạt động trên Mặt trăng - Ảnh: CGTN

Đây được xem là một trong những sứ mệnh khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thu thập được các mẫu vật chất trên Mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô cũ.

Theo Tân Hoa xã, tàu Thường Nga 5 đã hạ cánh xuống Mặt trăng vào đêm 1/12 (giờ Bắc Kinh). Tàu được tên lửa Trường Chinh 5 đưa lên vũ trụ vào ngày 24/11 sau 4 lần bị trì hoãn kể từ năm 2017. Theo kế hoạch, tàu thám hiểm của Trung Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu bề mặt Mặt trăng trong 2 ngày và thu thập mẫu đất đá trước khi quay trở về.

Để thực hiện sứ mệnh này, tàu được trang bị camera để khảo sát bãi đáp và khu vực lấy mẫu, một máy đo phổ hồng ngoại để phát hiện thành phần vật chất của khu vực lấy mẫu và thiết bị để thăm dò cấu trúc dưới bề mặt.

Tàu Thường Nga 5 là tàu thăm dò thực hiện sứ mệnh lấy mẫu Mặt Trăng đầu tiên trên thế giới trong hơn 40 năm qua. Trao đổi với báo giới, Phó Giám đốc Trung tâm Chương trình thăm dò Mặt trăng và không gian vũ trụ thuộc Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc, ông Bùi Triều Vũ, đánh giá sứ mệnh trên sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển công nghệ và khoa học của Trung Quốc, đồng thời đặt nền tảng quan trọng cho kế hoạch khám phá không gian vũ trụ bên ngoài khí quyển và sứ mệnh đổ bộ có người lái trong tương lai của nước này.

Sứ mệnh của Thường Nga 5

Tàu Thường Nga 5 được gắn máy quay toàn cảnh, radar xuyên Mặt trăng và máy quang phổ để quan sát và phân tích khu vực đổ bộ. Nhiệm vụ quan trọng chính của con tàu này là sẽ khoan 2 m dưới bề mặt Mặt trăng và mang khoảng 2 kg đá và các mảnh vỡ để mang về Trái đất.

Thường Nga 5 có tổng cộng 4 mô-đun, gồm một tàu quỹ đạo (Orbiter), một tàu đổ bộ mang theo các dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu vật (Lander), một tàu lấy mẫu vật (Ascender) và một tàu chứa nhỏ để mang các mẫu vật thu được về trái đất an toàn (Returner).

Sau khi tàu Thường Nga 5 vào đến quỹ đạo của Mặt trăng, tàu quỹ đạo và tàu chứa sẽ tách rời và ở lại quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu lấy mẫu vật sẽ đáp xuống Mặt trăng. Tàu đổ bộ sau khi đã đào được mẫu vật bằng máy khoan và cánh tay robot thì sẽ chuyển mẫu vật vào khoang của tàu lấy mẫu vật. Sau đó, tàu lấy mẫu vật sẽ rời tàu đổ bộ và chuyển hết mẫu vật cho tàu chứa để đưa chúng về Trái đất.

Từ khi Liên Xô đưa thành công con tàu Luna-2, vật thể nhân tạo đầu tiên có thể tiếp cận thiên thể khác, lên Mặt trăng vào năm 1959 thì một số quốc gia khác bao gồm Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã thực hiện được các sứ mệnh tiếp cận Mặt trăng. Năm 1976, Luna-24 hạ cánh an toàn xuống Mặt trăng và sau đó đã quay trở về Trái đất, mang theo 170 gr đất Mặt trăng cho Liên Xô.

Sau đó, chương trình Apollo diễn ra, một sự kiện đánh dấu lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt trăng, 12 phi hành gia Mỹ qua 6 chuyến bay từ năm 1969-1972 đã mang về được 382 kg mẫu đá và đất. Dự kiến, các mẫu vật thu thập được lần này sẽ rất quan trọng vì chúng có thể giúp các nhà khoa học hiểu được hoạt động của núi lửa trên Mặt trăng và thời điểm núi lửa hoạt động lần cuối.

Tuy Trung Quốc gia nhập cuộc đua vũ trụ khá muộn nhưng trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã “bơm” hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực này. Trung Quốc hiện đang xem xét xây dựng một trạm nghiên cứu và tiến hành đưa con người lên Mặt trăng trong thời gian tới.

Theo VŨ PHONG (Chính Phủ)