Tệ nạn mại dâm - phần nổi của “tảng băng”

29/03/2023 - 07:29

 - Theo Công an tỉnh An Giang, những năm qua, tình hình tệ nạn mại dâm tuy được kiềm chế, nhưng từng lúc, từng nơi vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, với phương thức, thủ đoạn che giấu ngày càng tinh vi.

Khép kín, tinh vi

Từ năm 2013 - 2022, lực lượng công an triệt phá 56 vụ mại dâm, liên quan 240 đối tượng. Trong đó, xử lý hình sự 35 vụ, 44 bị can; xử lý vi phạm hành chính 21 vụ, 165 trường hợp. Đội kiểm tra liên ngành tổ chức 664 cuộc, kiểm tra 1.142 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh, phát hiện 68 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính trên 100 triệu đồng. Nhưng đó chỉ là phần nổi của “tảng băng”. Theo nhận định của ngành chức năng, tệ nạn này vẫn tiềm ẩn nguy cơ hoạt động trở lại. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, khép kín, có liên kết và hưởng lợi ích với nhau.

Hiện nay, chủ chứa, đối tượng môi giới mại dâm chủ yếu núp dưới danh nghĩa “người quản lý, nhân viên, người làm thuê” tại khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18-25 tuổi; trên 40% chủ chứa là phụ nữ. Đối tượng bán dâm phần lớn là người từ nơi khác đến, hoạt động riêng lẻ, không cố định, dưới danh nghĩa “tiếp viên”, “nhân viên” nhà hàng, quán bar, karaoke, massage, sử dụng sim điện thoại không đăng ký để liên lạc trong thời gian ngắn rồi thay đổi. Đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau.

Triệt phá một vụ mại dâm

Hoạt động mại dâm phổ biến theo phương thức “gái gọi”: Gái mại dâm cấu kết với nhân viên khách sạn, nhà nghỉ cho số điện thoại (hoặc trực tiếp câu móc, giao dịch với người mua dâm) tại điểm karaoke, massage… rồi đến khách sạn, nhà nghỉ để mua, bán dâm. Chủ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ biết, song vì lợi ích kinh doanh, nên họ đã tiếp tay, đối phó với cơ quan chức năng. Đáng chú ý, xuất hiện đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: Du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm... Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng.  

“Có người phải hành nghề mại dâm để kiếm tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho người thân. Nhiều cô gái phải gồng gánh chăm lo cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, những đứa con thơ dại và người chồng cờ bạc, nghiện ngập. Hoặc có người là nạn nhân của tình trạng thất nghiệp, không việc làm. Nhưng cũng có người hám tiền, lười lao động, ngại vất vả, thích ăn chơi, hưởng thụ; bất chấp tác hại vô cùng lớn đến đời sống, sức khỏe, xã hội” - đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Báo cáo với Ủy ban Xã hội của Quốc hội vào đầu tháng 3/2023, UBND tỉnh khẳng định, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tuyên truyền nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tệ nạn mại dâm. Lực lượng công an vừa phòng ngừa xã hội, kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, sát với thực tế; trong đó tổ chức cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ (nhà nghỉ, khách sạn, karaoke...) cam kết chấp hành quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện nay về phòng, chống mại dâm chưa đồng bộ. Mức xử phạt hành vi liên quan đến mại dâm còn thấp, chưa thực sự răn đe, còn chênh lệch rất lớn giữa hành vi mua dâm và bán dâm. Khoản 1, Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi mua dâm”. Còn Khoản 1, Điều 25 quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi bán dâm”. Do đó, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng mức xử phạt, đảm bảo ngang bằng nhau, đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống mại dâm chưa vững chắc. Không hình thành điểm nóng phức tạp, nhưng hoạt động ngấm ngầm, khó đấu tranh xử lý, mại dâm ở nông thôn phát triển. Công tác quản lý, kiểm soát hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa chặt chẽ, nhất là việc quản lý lao động nữ (tiếp viên phục vụ) rất khó khăn, phức tạp. Hầu hết chưa ký hợp đồng lao động, hoặc có ký hợp đồng lao động thì không đúng quy định. Việc hỗ trợ đối tượng bán dâm tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn nhiều bất cập, do thiếu kinh phí hỗ trợ.

Tình hình hoạt động mại dâm còn diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn và đối tượng hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi hơn, nhất là lợi dụng triệt để công nghệ cao để hoạt động. Tỉnh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống mại dâm, trên cơ sở Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hiện nay; dự kiến quan điểm, chính sách pháp luật mới phù hợp với thực tiễn; sơ, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, để đảm bảo tính nhất quán, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin, tỉnh sẽ tập trung lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, kinh phí và thực hiện đồng bộ giải pháp, biện pháp để công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong thời gian tới đạt hiệu quả. Đó là thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm của UBND tỉnh, Bộ Công an giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; lồng ghép vào chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và HIV/AIDS, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là cho phụ nữ và người dân khu vực nông thôn, vùng có đời sống kinh tế khó khăn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn họ sa vào hoạt động mại dâm. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xã hội quản lý, giáo dục người tham gia hoạt động mại dâm tại cộng đồng, nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Kiên quyết triệt phá ổ nhóm chứa, môi giới mại dâm, đề nghị truy tố, xét xử trước pháp luật; xử lý người mua, bán dâm theo đúng quy định của pháp luật.

VẠN LỘC