Giá cá chép không tăng, nhưng bán khá chậm
Mua hoa tươi, nhang đèn cho mâm lễ
Tùy vào điều kiện mà có thể chuẩn bị mâm cúng ông Công, ông táo. Nhưng tất cả đều ở sự chân thành, thiện ý của gia chủ
Theo ghi nhận tại các chợ ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) cảnh người mua sắm lễ vật cúng ông Công, ông Táo khá tấp nập. Ngoài lễ vật, nhiều người chọn mua cá chép, hoa tươi, trái cây, xôi, chè… Tùy điều kiện, nhiều người có thể nấu vài món (chay hoặc mặn), để thêm tươm tất.
Theo nhiều người, cúng cá chép nhằm ý nghĩa “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”, biểu thị sự thăng hoa, vượt khó để đi tới thành công.
Chị A. (chợ Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết: “Năm nay cá bán khá chậm, do tình hình khó khăn. Giá cá chép loại lớn từ 100.000 đồng/kg, loại nhỏ vài ngàn đồng/con, giá không tăng so năm ngoái, nhưng rất ít người mua”.
“Giá hoa tươi năm nay cũng không tăng, nhưng người mua cũng dè dặt, trả giá tới lui” - cô Hường (chợ Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Ngoài mua cá chép sống, nhiều người cũng chọn mua cá chép giấy để tiễn ông Công, ông Táo.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Nhưng hiện nay, một bộ phận người dân thiếu ý thức khi phóng sinh cá chép đã để lại túi ny-lon ngay trên bờ hay ném xuống ao, hồ, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường… Thậm chí, ngay khi trên bờ thả cá, thì dưới sông có người chờ sẵn để kích (xuyệt) điện bắt cá, trông rất phản cảm…
Tin, ảnh: HỮU HUYNH