Không có tiền về quê ăn tết
Những gánh nặng cơm áo gạo tiền, những khoản chi tiêu dịp tết không những là mối lo của những cô cậu mới ra trường đi làm, mà còn là nỗi lòng khiến nhiều trong số các bạn trẻ phải quyết định không về quê ăn tết.
Chỉ mới nhắc đến câu chuyện những nỗi lo ngày cận tết, Trương Thị Kiều Thương (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn) đã không giấu được những giọt nước mắt.
Thương nói: “Em nằm trong trường hợp là không có tiền về quê ăn tết. Mang tiếng đi làm rồi mà không có nổi món quà tết để về quê biếu ông bà, cha mẹ; vé xe về tết thì đắt đỏ, vé đi - về (TP.HCM - Bình Định) đã gần 2 triệu rồi, nên em quyết định ở lại làm tết. Lương tết tăng gấp đôi nên làm xong đến mùng 6 em mới về, khi đó cũng có ít tiền mua quà về biếu ba mẹ”.
Tết này bạn có về quê? ẢNH MINH HỌA: NỮ VƯƠNG
Thương học ngành Ngôn ngữ Anh, vốn tiếng Anh rất tốt nhưng xin việc cứ trầy trật. Cuối cùng, Thương xin làm lễ tân tại một khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM. Nhưng lương tháng chỉ được 5 triệu đồng, nhiều tháng lỡ để khách làm thất lạc đồ hay hư hỏng gì là bị trừ vào lương. Sống ở thành phố đắt đỏ như TP.HCM, với mức thu nhập đó, Thương còn chưa lo đủ được cho bản thân, từ tiền trọ đến tiền ăn,…
Phải ngậm ngùi không về quê ăn tết chỉ để cày kiếm tiền mua quà về cho ba mẹ vui lòng.
“Dẫu biết rằng ba mẹ không đòi hỏi gì, chỉ cần về sum vầy với gia đình là vui rồi. Nhưng phận làm con, mang tiếng đã đi làm mà về nhà không những không có quà, mà còn bám xin tiền ba mẹ để tiêu tết thì thật sự em không làm được. Như thế ba mẹ sẽ rất lo lắng cho em”, Thương tâm sự.
Không những thế, Thương cũng ngại vấn đề về quê gặp bạn bè, lại mặc cảm chuyện công việc. “Bạn em bây giờ nó làm bác sĩ, luật sư cả rồi, còn em thì công việc còn chưa ổn định, bản thân còn không lo nổi. Nói chung em chẳng còn mong tết như hồi bé, mà ngược lại tự dưng thấy sợ. Tết chỉ vui là được về thăm ba mẹ, quây quần bên gia đình, mà tết này em cũng không về được nữa, nên em chẳng mong tới tết”.
Cùng tâm trạng với Thương, H.H.H (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) cũng lựa chọn không về tết vì vé tàu quá đắt đỏ.
Hiện tại H. đang làm cho một công ty thiết kế tư tại 189 Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Thu nhập cũng không ổn định nên với H. chuyện về quê ăn tết rất nan giải.
“Nếu hỏi mình tủi không, thì tủi chứ sao không. Nếu hỏi mình buồn không, thì buồn chứ sao không, đêm về còn rớt nước mắt khi nghĩ đến cảnh tết này ba mẹ, em út ở quê ngóng. Mình còn chưa dám báo cho ba mẹ biết, chắc để gần tết rồi báo, nhưng cũng phải nghĩ ra lý do phải trực tết chứ chẳng dám nói là không có tiền về”, H. nói.
“Thời sinh viên mình rất lạc quan, cứ trông đến tết là về nhà. Nhưng giờ đi làm thì khác rồi, về phải có ít tiền biếu để ba mẹ yên lòng, phải sắm được cái này cái kia cho gia đình. Nỗi lòng này thật không biết nói sao cho hết. Chỉ biết cày trong mấy ngày tết, rồi mùng 7, mùng 8 mình sẽ về”, H. chia sẻ thêm.
Tính "nát óc" chi phí tết
Trên là nỗi lòng của những bạn quyết định không về quê ăn tết, còn câu chuyện của những bạn đang cuống cuồng chuẩn bị tươm tất mọi thứ để về với gia đình dịp tết thì như thế nào?
Khi được hỏi về những mối lo ngày tết và chuẩn bị cho chuyến về quê như thế nào. Phạm Thị Oanh (trọ tại 206 Lê Thúc Hoạch, Q.Tân Phú, TP.HCM) gửi cho người viết một danh sách những khoản phải chi tiêu trong dịp tết của Oanh và chồng.
Cụ thể như tiền xe “Sài Gòn - Đắk Lắk: 580.000 đồng/người; Đắk Lắk - Quảng Nam: 600.000 đồng/2 người; Quảng Nam - Đắk Lắk: 300.000 đồng/người; Quảng Nam - Sài Gòn: 3.270.000 đồng/2 người (tiền vé máy bay). Tổng cộng tiền di chuyển: 4.750.000 đồng, thêm các khoản lỳ xì tết, ước tính 16.650.000 đồng.
Những khoản phải chi tiêu dự kiến trong dịp tết của Oanh và chồng
“Đấy là mình tiết kiệm lắm luôn rồi. Tính nát óc mới được như thế, lượt về vợ chồng cũng xin nghỉ sớm để về cho vé rẻ, vào cũng xin vào muộn. Thay vào đó là những ngày này phải làm sấp mặt để hoàn thành công việc”, Oanh kể.
Oanh cho biết từ ngày lấy chồng là mối lo tăng lên gấp đôi, vì quà cáp rồi mọi thứ đều phải nhân lên. Nhưng là dâu mới, thì không thể nào không về. Tiền di chuyển phải đi 2 nơi nên tốn kém cũng tăng lên.
“Chuyện này không phải là tính toán, nhưng thật sự đối với những cặp vợ chồng trẻ, thu nhập chưa ổn định mà mỗi lần về quê ăn tết là phải mất ngủ tính toán chi tiêu cho hợp lý. Về để gặp ông bà, cha mẹ nhưng nỗi lo thì cũng không tránh khỏi được”, Oanh tâm sự.
Oanh còn lo lắng: “Năm nay công ty của chồng mình làm ăn thua lỗ, trả lương còn chậm thì không biết có thưởng tết hay không nữa, mình lo lắm. Rồi phải tiết kiệm một khoản để vào tết còn đóng tiền phòng, rồi tiền gửi con...”.
Làm công nhân nên mỗi lần nhắc đến tết lại là nỗi sợ của T.K.L (công nhân tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương).
“Lương cơ bản mỗi tháng chỉ được tầm 4 triệu đồng, mình làm tăng ca mới được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Mấy năm chỉ lo chuyện về nhà mình thôi, năm nay thêm nỗi lo về gia đình chồng nữa. Cha mẹ đẻ thì sao cũng được, vì nếu khó quá thì nói ba mẹ thông cảm được. Nhưng gia đình chồng mọi thứ phải tươm tất, để gia đình còn hãnh diện với hàng xóm láng giềng...”, L. nói.
Từ hơn một tháng trước, L. đã tiết kiệm từng khoản tiêu có thể để dồn tiền về quê đón tết. Nhưng đến thời điểm hiện tại, L. cũng đang đau đầu chuyện lì xì tết cho cả hai bên.
Theo HOA NỮ (Thanh Niên)