Thảm họa bí ẩn che khuất Mặt trời, biến Hè lạnh như Đông suốt 18 tháng

20/11/2021 - 19:58

Năm 536 sau Công nguyên, nhân loại đã trải qua một quãng thời gian kinh hoàng, thậm chí được mô tả là tồi tệ nhất trong lịch sử con người.

Khi được hỏi rằng năm nào kinh khủng nhất đối với cuộc sống của con người, nhà sử học thời trung cổ Michael McCormick lập tức trả lời: 536. Không phải năm 1349 khi dịch hạch “Cái chết đen” xóa sổ một nửa dân số châu Âu. Cũng không phải năm 1918 khi đại dịch cúm Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 triệu người, chủ yếu là thanh niên trẻ khỏe. Mà đó là năm 536. 

Thời kỳ đen tối

Ở châu Âu, theo lời kể của ông Michael McCormick, đó là mở đầu của một trong những thời kỳ tồi tệ nhất đối với cuộc sống của con người, nếu không muốn nói là kinh hoàng nhất. Ông McCormick là Chủ tịch Sáng kiến Đại học Harvard về Khoa học trong Quá khứ nhân loại. 

Thảm họa này xảy ra sau khi một màn sương bí ẩn lan tràn khắp lục địa châu Âu, Trung Đông và một phần của châu Á, che lấp Mặt trời bằng lớp khói mù màu xanh xám. Khắp hành tinh, con người phải sống trong bóng tối suốt 24 giờ mỗi ngày và kéo dài đến 18 tháng. Hạn hán, mất mùa và đói kém xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới. 

Nhà sử học Procopius mô tả: “Mặt trời tỏa nắng nhưng không có độ sáng, lờ mờ như Mặt trăng, suốt cả năm”. Con người không thể nhìn thấy bóng của mình ngay giữa trưa. Các mùa trong năm dường như bị xáo trộn.


Theo giới chuyên gia, sự sụp đổ của Đế chế La Mã có thể là một phần kết quả của thập kỷ đói kém và dịch bệnh khởi phát năm 536. Ảnh: New York Historical Society

Thiếu ánh nắng ấm áp, nhiệt độ mùa Hè năm 536 giảm xuống 1,5 – 2,5 độ C, mở đường cho một thập kỷ lạnh nhất (536–545) trong 2300 năm. Tuyết đã rơi vào mùa Hè năm đó ở Trung Quốc. Mùa màng thất bát, nạn đói hoành hành. Biên niên sử Ireland cũng ghi chép về cuộc khủng hoảng bánh mì của những năm 536 - 539. Một số học giả cho rằng thời kỳ lạnh giá và đói kém này đã gây ra tình trạng trì trệ kinh tế ở châu Âu, cũng như là mở đầu của một thời kỳ tăm tối kéo dài đến tận năm 640.

Quả thực, những người sống sót vượt qua màn đêm dài và lạnh lẽo năm 536 – 537 còn phải đối mặt với nhiều năm khắc nghiệt hơn nữa. Vào năm 541, dịch hạch Justinian nổ ra tại cảng Pelusium ở Ai Cập rồi nhanh chóng càn quét khắp vùng Địa Trung Hải khiến gần 100 triệu người thiệt mạng. Căn bệnh này ước tính đã giết chết từ 1/3 đến 1/2 dân số của Đế chế Byzantine, hay còn gọi là Đế chế Đông La Mã.

Thảm họa “nhật thực” năm 536 và nạn đói tiếp diễn những năm sau đó được cho là lời giải thích cho việc giới tinh hoa Scandinavia tích trữ vàng vào cuối Thời kỳ Di cư. Họ xem vàng như vật hiến tế để xoa dịu các vị thần và lấy lại ánh sáng Mặt trời. Nhiều câu chuyện thần thoại như Fimbulwinter và Ragnarok đã được sáng tác dựa trên ký ức văn hóa về sự kiện này.

Sự suy tàn của Teotihuacán, thành phố cổ đại ở Mesoamerica (Mexico), cũng liên quan đến nạn hạn hán sau giai đoạn thay đổi khí hậu năm 536, với các dấu hiệu của tình trạng bất ổn dân sự và nạn đói.
Vậy điều gì đã gây ra hiện tượng giảm nhiệt toàn cầu năm đó? Có giả thuyết cho rằng một vụ phun trào núi lửa dữ dội đã tung khói bụi lên bầu không khí. Các nhà nghiên cứu khác lại gợi ý “thủ phạm” là một vụ sao chổi đâm vào Trái đất rồi tạo thành đám mây mù che kín ánh Mặt trời.

Lời giải dưới lớp băng

Kể từ khi các phân tích mặt cắt thân cây vào thập niên 1990 cho thấy mùa Hè xung quanh thời điểm năm 540 đều lạnh bất thường, giới nghiên cứu đã bắt tay vào tìm kiếm nguyên nhân. 

Năm 2015, bằng cách đối chiếu dữ liệu trong lõi băng ở Greenland và Nam Cực với dữ liệu khí hậu ở mặt cắt thân cây, nhóm nghiên cứu do ông Michael Sigl tại Đại học Bern đứng đầu đã phát hiện ra rằng gần như mọi mùa Hè lạnh giá bất thường trong 2500 năm qua đều xảy ra sau một vụ phun trào núi lửa. Họ kết luận một vụ phun trào lớn đã xảy ra vào cuối năm 535 hoặc đầu năm 536. 


Lõi băng dài 72 mét được khoan từ dòng sông băng Colle Gnifetti trên núi Alps. Ảnh: Antiquity

Theo trang Science.org, khi một ngọn núi lửa thức giấc, nó sẽ phun lưu huỳnh, bismuth và các chất kim loại khác lên bầu khí quyển, nơi chúng tạo thành một tấm màn hạt lơ lửng phản chiếu ánh sáng Mặt trời vào vũ trụ, làm Trái đất mất đi nguồn nhiệt sưởi ấm.

Tiếp đến, các chuyên gia đã phân tích một lõi băng cổ đại được khoan tại dãy núi Alps của Thụy Sĩ, chứa đựng những giá trị lịch sử của hơn 2.000 năm. Các hạt bụi, kim loại trong bầu không khí bị đóng băng ở nhiều cấp độ khác nhau trong lõi băng dài 72 mét này đã cung cấp cái nhìn về cách bầu khí quyển ở châu Âu thay đổi trong suốt hai thiên niên kỷ qua.


Các phân tử bạc bên trong lõi băng đã cung cấp manh mối hóa họa về các sự kiện tự nhiên hoặc nhân tạo. Ảnh: Antiquity

Trong mẫu băng của mùa Xuân năm 536, một  nhà khoa học đã tìm thấy hai hạt tinh núi lửa siêu nhỏ. Bằng cách chiếu tia X-quang vào phân tử để xác định dấu vết hóa học của chúng, họ phát hiện điểm tương đồng mật thiết với các phân tử thủy tinh từng được tìm thấy tại các hồ nước, đầm lầy ở châu Âu và trong một lõi băng ở Greenland. Đáng chú ý, nó giống hệt mẫu đá núi lửa ở Iceland. 

Cuối cùng, họ khẳng định một vụ phun trào núi lửa mạnh mẽ ở Iceland trực tiếp châm ngòi cho những ngày đen tối nhất của châu Âu năm đó. Dưới sự giúp đỡ của gió và thời tiết, tàn tro núi lửa đã được phát tán hầu hết châu Âu, lan sang cả châu Á như đã ghi nhận.

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin tức)