Thăm lại xóm hến!

21/10/2022 - 07:01

 - 8 năm, sau lần đầu tiên ghé thăm xóm hến ở ấp Trung Phú 1 (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), nay trở lại, xóm hến vẫn khá nhộn nhịp. Bình yên khi sáng sớm và rộn ràng vừa lúc mặt trời qua khỏi rặng tre là đặc trưng vốn có ở xóm hến. Dẫu không giàu có nhưng người dân xóm hến đã có cuộc sống khá ổn định, sung túc.

Có dịp thăm xóm hến vào mùa nước nổi, mọi người mới cảm nhận được cuộc mưu sinh vất vả nhưng cũng thật hào sảng của những người dân quanh năm chỉ biết “bán mặt” cho sóng nước, lênh đênh với... con hến!

Với chất giọng miệt vườn đặc sệt, ông Trần Văn Nhã (sinh năm 1966, tổ 3, ấp Trung Phú 1) chia sẻ câu chuyện mưu sinh với nghề hến của mình: “Từ thời trai trẻ, tôi bắt đầu “kiếm cơm” bằng nghề cào hến. Ngót nghét cũng hơn 30 năm, giờ chủ yếu làm vì “ngứa nghề”, chứ sức khỏe làm sao bằng được như xưa. Cái nghề này hay ở chỗ, ai theo cũng được đãi, có điều là được ít hay nhiều thôi. Xóm hến kéo dài khoảng 1km, trừ một vài hộ có đất ruộng canh tác. Cào hến mưu sinh cũng là nghề chính của bà con nơi đây. Người theo nghề nhờ nó mà cuộc sống đỡ vất vả, cơ cực với cảnh làm thuê, mướn và nuôi con khôn lớn nên người. Có gia đình theo nghề từ đời cha rồi đến đời con. Vậy nên, chúng tôi quý con hến lắm!”.

Hướng mắt về phía ngôi nhà của mình, ông Nhã bộc trực nói, nhờ có nghề cào hến nên vợ chồng tôi nuôi 2 đứa con ăn học thành tài và cất được ngôi nhà khang trang như vậy. Không riêng gì tôi, những hộ sống theo nghề này cũng có cuộc sống ổn định. Muốn biết được sự nhộn nhịp của xóm hến, khoảng 10 giờ ghé nơi đây là thấy. Bởi khi đó, cánh đàn ông, thanh niên trai tráng kết thúc 1 buổi cào hến trở về. Hến nhanh chóng được đưa lên bến sông. Những người phụ nữ ở nhà đã sẵn sàng cho việc rửa sạch và đãi hến, bán cho thương lái và khách vãng lai. “Tiếng cười giòn tan khi trúng mẻ hến lớn và những câu chuyện vui trong lúc theo ghe cào hến được cánh đàn ông chia sẻ, càng làm cho buổi đãi hến thêm rộn ràng” - ông Nhã cười nói.

Hiện nay, người cào hến đi ghe máy, sử dụng bàn cào cải tiến gồm giàn lưới và chiếc lồng sắt có nhiều chân thả chìm xuống đáy sông. Khi ghe chạy kéo các chân sắt cào sâu xuống đáy, hến, vẹm, ốc gạo “chui” vào lồng rồi nằm gọn trong lưới. Người đi cào chỉ việc ngồi trên ghe, khi cảm thấy hến vô đầy lưới thì kéo giàn cào lên. Muốn cào được nhiều hến phải biết bãi và mùa vụ. Tháng nào cào gần, tháng nào cào xa, với người có kinh nghiệm không phải là chuyện khó.

Thoáng chút ưu tư, ông Nhã trải lòng: “Hến trong tự nhiên bây giờ không còn dồi dào như xưa. Ngày trước, đi ghe cào 1 buổi cũng được mấy giạ hến. Giờ thì được vài ba chục ký hến cũng được cho là “trúng”. Được cái, con hến lớn nhanh, người cào hến theo kinh nghiệm, sẽ biết khúc sông nào nên “dưỡng” hến, khúc nào cần khai thác nên cứ xuôi ghe đi là sẽ có hến. Song, dù số lượng hến ít nhưng giá bán cao hơn xưa rất nhiều nên cũng không đến nỗi nào. Xưa, giá hến chỉ vài ngàn đồng/kg, nay giá bán cho thương lái từ 40.000-50.000 đồng/kg, còn bán cho khách vãng lai từ 60.000-70.000 đồng/kg. Nhờ vậy, người dân ở xóm hến sống được với nghề đến tận bây giờ”.

Mấy mươi năm sinh sống với nghề cào hến, cô Nguyễn Thị Ngư (sinh năm 1961, ngụ ấp Trung Phú 1) cho biết, mấy đứa con của cô cũng đang “nối nghiệp”. “Để có hến nhiều, người cào phải đánh ghe đi xa, có khi mọi người phải xuôi ghe lên kênh Mặc Cần Dưng (huyện Châu Thành) hay các kênh ở cầu số 11, 13, 14, 15 (hướng Châu Thành - Tri Tôn)… Mỗi lần đi về hết 100.000 đồng tiền xăng. Nhờ con hến được thị trường ưa chuộng, giá bán khá cao nên chúng tôi sống được qua ngày” - cô Ngư bày tỏ.

Con hến gắn bó với người dân xứ này đến nỗi không thể bỏ được. Dù những người theo nghề cào hến không khá giả nhưng cuộc sống đã thoát cảnh “thiếu trước, hụt sau”, tạm gọi là ổn định. Phải chăng vì lẽ đó mà cuộc mưu sinh dù có vất vả thế nào thì người dân xóm hến vẫn bám trụ với nghề. Cứ thế, bao nhiêu năm qua, cái tình của người dân với con hến ngày càng “nặng” hơn. Không khó tìm, vừa qua cầu Ba Bần, quẹo trái, ôm hết “cua” là đã thấy xóm hến. Cũng không cần đến nơi, cách xóm hến chừng trăm mét, người đi đường có thể cảm nhận hương vị ngọt ngào của con hến đang được luộc, đãi vỏ trong các lò tự chế ở xóm hến.

“Ấp Trung Phú 1 hiện có khoảng 20 hộ dân theo nghề cào hến, đa số đều không có ruộng đất. Trước đây, đời sống mọi người khá khó khăn nhưng nhờ theo nghề cào hến mà đời sống bà con dần ổn định, có người nhờ cào hến mà thoát nghèo, nuôi con thành tài” - Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Trung Phú 1 (xã Vĩnh Phú) Phan Văn Tặng cho biết.

PHƯƠNG LAN