Đến ấp Sray Skoth, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Khmer bên khung cửi đang dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ Khmer, nhiều sản phẩm thổ cẩm Khmer đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Từ sản phẩm truyền thống ban đầu, thợ dệt sáng tạo hoa văn cách điệu, mẫu mã đa dạng, phong phú; màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo, chủ yếu là mặt hàng sà rông, khăn choàng cổ, phông màn cửa, các loại khác theo đặt hàng.
Nghệ nhân Neàng Sa Mon miệt mài bên khung dệt thổ cẩm Khmer truyền thống
Thổ cẩm Khmer chủ yếu làm thủ công và phải trải qua các công đoạn: Lựa chọn nguyên liệu tơ, luộc tơ, nhuộm màu, ngâm, phơi, sấy, quay tơ, kéo tơ, dệt và tạo hoa văn (bắt bông).
Thợ dệt “bắt bông” tạo hình trên từng sợi tơ
Để tạo ra sản phẩm dệt hoàn chỉnh là quá trình công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, sáng tạo của người thợ dệt và phải mất hàng trăm giờ công sức từ nhuộm, đượm màu cho từng lọn tơ tầm đến dệt.
Cách thức phối màu, nhuộm màu cho từng lọn tơ dệt rất tỉ mỉ, nghệ nhân dệt phải có ý tưởng trước và hình dung sẵn hoa văn, họa tiết cần tạo hình trên tấm vải dệt để những sợi tơ luồn đúng cách thức với nhau, phù hợp, sắc nét.
Nét đặt trưng của thổ cẩm Khmer là hệ thống họa tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo chứa đựng giá trị tín ngưỡng, văn hóa lâu đời từ hình ảnh ngôi chùa, hoa, lá hoặc hình tượng Đức Phật…
Nghệ nhân Néang Chanh Ty chia sẻ: “Nếu như nhuộm màu là kỹ thuật gia truyền thì việc định hình họa tiết hoa văn là nghệ thuật. Cả làng này chỉ có 4 - 5 người làm được việc này. Cả 2 công đoạn nhuộm tơ và định hình đều rất quan trọng và được thực hiện song song với nhau. Công đoạn nhuộm màu để hoàn thiện một tấm vải thổ cẩm có khi phải mất cả tháng trời mới xong”.
Thổ cẩm Văn Giáo được chứng nhận nhãn hiệu tập thể Silk Khmer
Mỗi sản phẩm thổ cẩm Khmer đều mang nét văn hóa truyền thống đặt trưng, không máy móc nào có thể thay thế được dù chỉ là những công đoạn nhỏ nhất. Trung bình, mỗi thợ dệt thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, tùy theo trình độ người thợ, sản phẩm hoa văn phức tạp hay giản đơn. Điều đặc biệt là sản phẩm được làm càng cũ thì giá càng cao, bởi thổ cẩm sẽ mềm, mát và đẹp theo thời gian.
Người Khmer ở miền Tây Nam Bộ mua thổ cẩm về may trang phục mặc trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, biểu diễn văn nghệ. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, rất ít tồn đọng. Thu nhập của thợ dệt tuy không cao nhưng khá ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho phụ nữ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số Khmer.
Để bảo tồn và phát triển hoạt động làng nghề dệt thổ cẩm Khmer xã Văn Giáo, năm 2000, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Văn Giáo được thành làm gồm hơn 70 hộ, trên 120 thành viên tham gia, mang lại thu nhập cho chị em phụ nữ 2 - 5 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề.
Đầu năm 2023, sản phẩm sà rông thổ cẩm Khmer Văn Giáo đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi đến du khách gần xa, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
KHÁNH MY