Theo Phó Trưởng ban Nhân dân khóm Bình Đức 4 Vũ Thị Kiều Anh, ở đây có hộ “cha truyền con nối” nhưng cũng có nhiều người chỉ đến với nghề theo thời vụ. Đặc biệt vào dịp cận Tết, số hộ làm thời vụ tăng, vì đây là thời điểm nhang “hút hàng” nhất trong năm. Và cứ đi qua nhà nào có làm nhang, chúng tôi đều nghe tiếng lạch cạch phát ra vang vọng. Thợ làm nhang bây giờ hầu như không làm theo cách thủ công truyền thống mà đã chuyển sang làm nhang bằng máy đạp chân hoặc máy điện! Tiếng lạch cạch đều tai ấy chính là tiếng máy làm nhang phát ra. Càng đến gần, âm thanh càng vang dội nhưng ngạc nhiên nhất là hình ảnh những cây tre mỏng manh phút chốc “hóa” thành cây nhang hoàn chỉnh, “phóng như tên” ra ngoài khi vừa được cho vào máy làm nhang. Những người thợ chia sẻ, nhờ có chiếc máy mà công đoạn làm nhang được rút ngắn rất nhiều, sản phẩm nhờ vậy tăng gấp đôi, gấp ba so với cách se nhang bằng tay như ngày nào.
Theo cha, mẹ học nghề từ thuở lên 5, giờ đây bà Trần Thị Cuốn (57 tuổi, ngụ khóm Bình Đức 4, phường Bình Đức) đã là thợ lành nghề. Chứng kiến bao thăng trầm của nghề, bà Cuốn tâm sự: “Ngày đó, xóm này theo nghề làm nhang nhiều lắm. Từ thời bà tôi còn “lặn lội” mua từng lá gòn về vo cho ra nhựa để làm bột nhang, nghề này đã rất “ăn nên làm ra”. Theo thời gian, phần vì bị cạnh tranh, phần vì người trẻ ít ai chịu theo nghề nên thợ làm nhang thưa thớt hơn. Được cái, làm nhang ngày nay đỡ vất vả hơn xưa, các nguyên vật liệu đều có sẵn, người làm không cần học gì cũng có thể tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Đó là nhờ có chiếc máy làm nhang hiện đại này. Nếu ngày trước, phải thuê 5-7 người thợ se nhang, mỗi ngày chỉ được 1-2 muôn nhang (10.000-20.000 cây nhang) thì nay chiếc máy làm nhang có thể tăng số lượng gấp nhiều lần. Ngày thường, số hộ làm nhang rất ít, nhưng dịp gần Tết, nhiều người tranh thủ kiếm thêm thu nhập nên cũng mua nguyên liệu về làm cho vui”.
Vì tính hiệu quả của máy làm nhang, bà Cuốn đã đầu tư đến 2 chiếc máy. Với loại máy đạp bằng chân, các công đoạn làm đơn giản là cho bột vào khuôn, đưa thanh tre chuốt mỏng vào máy rồi dùng chân đạp là máy sẽ “phóng” ra cây nhang đều màu và đẹp trong chớp mắt. Với máy chạy bằng điện, người làm chỉ cần đặt bó tre chuốt ngay ngắn vào máy điện rồi kết nối với máy làm nhang (có sẵn bột), guồng máy sẽ tự vận hành và tạo ra hàng trăm cây nhang trong ít phút. Bà Cuốn cho biết, đầu tư gần 30 triệu đồng để có những chiếc máy làm nhang hiện đại như vậy. Nếu ngày trước, thợ làm nhang ngồi chật cả nhà thì nay chỉ cần mỗi bà Cuốn vẫn có thể làm ra 1 muôn nhang/ ngày là chuyện rất dễ dàng. “Mỗi ngày, tôi bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến khoảng 10 giờ là đủ số lượng nhang (1-2 muôn) và chuyển qua công đoạn phơi. Thời tiết thuận lợi chỉ phơi trong vài giờ, không thì phải mất đến 2 ngày mới khô nhang, cuối cùng là công đoạn đóng gói sản phẩm. Nhang làm ra, tôi bỏ mối ở tận Vĩnh Long. Không gọi là giàu có gì nhưng nghề này cũng nuôi sống được những ai yêu quý và bám trụ với nó” - bà Cuốn bộc bạch.
Theo nghề nhang trên 50 năm, ông Ngô Văn Sen (sinh năm 1949, ngụ ấp Bình Đức 6, phường Bình Đức) bộc bạch: “Không có điều kiện đầu tư máy điện như mọi người, vợ chồng tôi chỉ mua 2 chiếc máy đạp bằng chân để làm nhang. Mỗi ngày, chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng, làm đến xế chiều mới được 1 muôn nhang. Việc tạo ra cây nhang ngày nay khá dễ dàng nhưng cực nhất vẫn là công đoạn phơi. Chúng tôi thường ví von việc phơi nhang như phơi lúa. Bởi chỉ lơ là, quên bẵng đôi chút là có thể “không trở tay kịp” với thời tiết. Đến mùa Tết, tôi nhận làm thêm nhang “3 cây” - loại nhang dài, to gấp 3-4 lần nhang thường. Đây là loại nhang rất được ưa chuộng vào dịp Tết vì nó được dùng để thắp cúng vào đêm giao thừa. Để kịp cung ứng ra thị trường, vợ chồng tôi phải chuẩn bị loại nhang này từ tháng 9. Làm xuyên suốt đến tháng 11 mới xong. Năm nào cũng vậy, nhang “3 cây” đều được làm với số lượng khá lớn, 9-10 muôn. Tuy cực hơn nhang thường nhưng nhờ bán với số lượng nhiều nên cuộc sống ổn định”.
Nhìn những bó nhang thành phẩm được chất đầy nhà, không chỉ người thợ làm ra nó vui mừng mà chúng tôi cũng khấp khởi. Hy vọng, bà con “làng” nhang Bình Đức sẽ có một mùa “bội thu” trong dịp xuân này để nhà nhà được hưởng cái Tết ấm no.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN